Hoa Kỳ tiếp tục chứng kiến hàng chục nghìn trường hợp dương tính Covid-19 mới mỗi ngày. Điều này có thể đẩy sự phục hồi kinh tế ra xa hơn bao giờ hết. Hàng trăm nghìn công ty Mỹ đang rơi vào cảnh khốn đốn, nhiều trong số đó đã đi tới con đường phá sản.
Trong khi đó, những gì diễn ra ở các thị trường mới nổi và phản ứng của các thị trường này, có thể đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của nhiều công ty Hoa Kỳ trong nhiều năm tới, Forbes nhận định.
Trong hơn một thập kỷ vừa qua, các công ty đa quốc gia lớn của Mỹ đã tìm thấy nhiều cơ hội phát triển tại các thị trường mới nổi. Các công ty này có thể sẽ cần phải điều chỉnh lại cách họ phân bổ các khoản đầu tư của mình.
Một số thị trường lớn như Ấn Độ và Brazil đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Các công ty tại Mỹ vẫn đang được hưởng lợi từ hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, có thể chống chọi tốt hơn với dịch bệnh.
Thật không may, các thị trường mới nổi không có cơ sở hạ tầng, hệ thống chăm sóc sức khỏe và chuỗi cung ứng thực phẩm giống như Mỹ. Rất khó để họ có thể chịu được áp lực chưa từng có như vậy.
Các thị trường mới nổi lớn đang phải đối mặt với áp lực gia tăng trong bối cảnh họ vốn đã suy yếu do phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Do đó, nhiều thị trường mới nổi thậm chí còn chịu tác động kinh tế của Covid-19 trước cả tác động y tế.
Xuất khẩu, lĩnh vực mà các thị trường mới nổi phụ thuộc rất nhiều, đã bị gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch toàn cầu. Tác động này đã làm suy yếu đồng tiền của họ. Không giống như Mỹ, họ không thể "xa xỉ" với việc bơm hàng nghìn tỷ USD để kích thích nền kinh tế của mình.
Trong lịch sử, chúng ta đã thấy các thị trường mới nổi bất ổn trước các sự kiện thảm khốc và phải mất nhiều năm để phục hồi nền kinh tế của họ về mức trước đây. Như vậy, công bằng mà nói, nhiều thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc trong vài năm tới.
Song, không nhất thiết là các công ty Mỹ cần tránh hàng loạt các thị trường mới nổi. Mỗi thị trường phải được đánh giá riêng lẻ, trong bối cảnh đại dịch và trong nền kinh tế toàn cầu.
Hầu hết các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng về mặt kinh tế do thương mại toàn cầu gần như ngừng hoạt động và Trung Quốc tạm thời đóng cửa. Nhưng nhiều thị trường ở ASEAN, chẳng hạn như Việt Nam và Malaysia, đã tìm cách giảm thiểu sự lây lan của virus trong biên giới của họ, và đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế của họ.
Đối với một số trường hợp, như Việt Nam, nhờ kinh nghiệm ứng phó được rèn giũa trong các trận chiến chống lại các đại dịch trước đây, họ có thể mang lại cơ hội tăng trưởng và đầu tư trong khi những quốc gia khác phải vật lộn để phục hồi trong vài năm tới.
Mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế đều có những thách thức - và đại dịch đã đưa ra một số thách thức chưa từng có lịch sử - nhưng nó cũng tạo ra cơ hội. Trong khi một số ngành công nghiệp bị Covid-19 tàn phá, những ngành khác lại phát triển mạnh. Khi cơ hội này biến mất, những cơ hội khác sẽ xuất hiện.