Forbes đưa tin, trong bài viết "The Lose-Lose Trade War" xuất bản tháng này trên tạp chí Current History (Mỹ), giáo sư người Hoa Xiangfeng Yang cho rằng tính chất tương hỗ, gia tăng phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến Trung Quốc có "ấn tượng sai lầm" rằng nước này đạt được sức mạnh ngang cơ với Mỹ. Điều này khiến giới chức Trung Quốc tự tin rằng họ có thể đi đến một thỏa thuận thương mại "hai bên cùng thắng lợi" với Washington.
"Trong phân tích điển hình của Trung Quốc, quan hệ hai nước là mối liên hệ kinh tế mạnh mẽ, thể hiện trong quy mô thương mại và đầu tư hai chiều trị giá hàng trăm tỉ USD mỗi năm," ông Yang viết. "Điều này được cho là sẽ kết nối hai quốc gia với nền văn hóa và chính trị khác biệt lại với nhau, khiến cho 'cặp vợ chồng cãi nhau' này không thể ly hôn được. Đây là lập luận mà nhiều quan chức Trung Quốc có xu hướng ngả theo."
Đó là một sai lầm lớn - giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York, Mỹ, nhận định trong bài viết trên Forbes.
Theo ông, sự "phụ thuộc lẫn nhau" giữa một nền kinh tế mới nổi (còn dựa vào xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu công nghệ để tăng trưởng) với một nước phát triển còn phải mất một khoảng thời gian dài trước khi trở thành một sự tương đương về sức mạnh.
Một cuộc "ly hôn" giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ mang lại hậu quả cho Washington, nhưng sẽ là một sự tàn phá đối với Bắc Kinh.
"Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế khiến nhiều người trong số họ (quan chức Trung Quốc) có ấn tượng sai lầm rằng Trung Quốc đã đạt được sức mạnh tương đương với Mỹ, và thúc đẩy sự tự tin của họ," ông Yang phân tích.
"Niềm tin - rằng sự gián đoạn đơn phương trong 'quan hệ song thắng' sẽ gây ra sự hủy diệt lẫn nhau trên bình diện kinh tế - đã trao cho Bắc Kinh sự bảo đảm quá đà rằng những biến hóa khôn lường trong chính sách về Trung Quốc của Washington sẽ không dao động quá mạnh."
Ông Yang bày tỏ nghi ngờ rằng nhà chức trách và cả giới phân tích Trung Quốc chưa từng nghiêm túc đánh giá hệ quả của chiến tranh thương mại với Mỹ, cũng như sẵn sàng cho thương chiến. Đối đầu thương mại có thể leo thang thành chiến tranh tiền tệ và công nghệ, đồng nghĩa với trừ khi Bắc Kinh nhận thức rằng họ không phải là một thế lực ngang bằng với Mỹ, hai nước khó có thể đi tới một thỏa thuận chóng vánh.
Dù vậy, ông Yang cho rằng thương chiến là một cục diện mà "hai bên cùng thua", khi nó đã gây tổn hại lớn đến quan hệ Mỹ-Trung.
"Mối bất hòa này không chỉ thúc đẩy sự ly khai kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn đẩy toàn bộ quan hệ hai nước đến điểm thấp nhất trong nửa thế kỷ qua," ông nói.
Yang bi quan về tương lai quan hệ Mỹ-Trung, ngay cả khi hai nước có đạt được một thỏa thuận thương mại, bởi "bất kỳ thỏa thuận nào sẽ chỉ là một lệnh ngừng bắn tạm thời trong cuộc chiến kinh tế dai dẳng".