Theo Mai Hồ, nhà đầu tư thiên thần là những cá nhân có thu nhập cao và đầu tư vào công ty khởi nghiệp bằng tiền của chính họ. Vì vậy nhà đầu tư thiên thần không nhất thiết yêu cầu một mức tái tạo lợi nhuận nhất định cho số vốn đầu tư đã bỏ ra.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ không yêu cầu các công ty khởi nghiệp gọi vốn phải đạt mức doanh thu tối thiểu trước khi quyết định đầu tư.
Một điểm khác biệt lớn nữa giữa nhà đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần là mức đầu tư của họ. Trung bình, các quỹ đầu tư mạo hiểm thường đầu tư với khoản tiền lớn (ít nhất là 100.000 USD), còn các nhà đầu tư thiên thần có thể đầu tư từ 1.000 USD cho đến 100.000 USD.
Dưới đây là 4 bí quyết để các startup có thể gọi vốn từ nhà đầu tư thiên thần, theo kinh nghiệm của Mai Hồ:
Tìm nhà đầu tư thiên thần ở khắp mọi nơi
Khi đang trong giai đoạn gọi vốn, Elizabeth Yin (General Partner tại Hustle Fund), đã làm một điều không tưởng - đó chính là kêu gọi vốn từ bác sĩ mắt của mình.
Có thể bạn đang tự hỏi “Bác sĩ mắt mà cũng là nhà đầu tư ư?” và “Có ngại không nhỉ?”
Nhưng nếu bạn hiểu bản chất nhà đầu tư thiên thần là ai, thì bạn sẽ hiểu lý do vì sao Elizabeth đã làm vậy. Nhà đầu tư thiên thần bản chất đơn giản là những cá nhân có thu nhập cao khiến họ có khả năng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Và Elizabeth hiểu một điều: bác sĩ thuộc về nhóm cá nhân này.
Thật ra, Elizabeth cũng không đặt kỳ vọng cao, nhưng qua cuộc nói chuyện này, cô ấy mới phát hiện ra bác sĩ mắt của mình của là một nhà đầu tư bán thời gian. Và mặc dù không gọi vốn thành công từ vị bác sĩ này, Elizabeth biết rằng đây là một mối quan hệ có thể giới thiệu và mở rộng danh sách những nhà đầu tư thiên thần tiềm năng.
Đây là một ví dụ để chứng minh rằng bạn không có lý do gì mà bạn lại ngần ngại kêu gọi vốn từ bất cứ một ai, vì bất cứ ai xung quanh bạn đều có thể là nhà đầu tư thiên thần. Cùng lắm thì bạn sẽ nhận được lời từ chối, không mất mát thêm gì.
Xin giới thiệu - biến “không" thành “có"
Sau khi nhận lời từ chối từ bác sĩ của mình, Elizabeth không ngần ngại mà hỏi: “Vậy anh có thể giới thiệu cho em một người bạn mà anh nghĩ sẽ phù hợp và có thể hứng thú hơn?”
Điều đặc biệt ở đây là Elizabeth không hỏi giới thiệu 10 người, hay 5 người. Cô ấy chỉ nhờ giới thiệu duy nhất một người mà thôi.
Lý do khá đơn giản - vì ai thì cũng quen biết ít nhất một cá nhân giàu có. Bác sĩ mắt của Elizabeth cũng vậy và ông đã giới thiệu cho cô một vài người bạn bác sĩ của mình. Vậy là cô đã hoá “không” thành “có” thành công.
Vượt qua sự xấu hổ
Elizabeth chia sẻ thật ra khi cô kêu gọi vốn từ bác sĩ mắt của mình thì cô cũng khá ngần ngại. Nhưng về mặt cơ bản, trong những lần đầu tiên kêu gọi vốn, dù từ bất kỳ ai, thì cũng có một chút ngại ngần, xấu hổ.
Tuy nhiên “trăm hay không bằng tay quen". Cứ luyện tập nhiều lần, trước gương và kể các trước những cá nhân mà bạn quen biết, thì dần dần bạn sẽ thành thạo hơn và không còn cảm giác ngại ngần nữa.
Thành thạo câu chuyện của mình
Cơ hội kêu gọi vốn luôn chờ sẵn mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần ở một bữa tiệc, bạn gặp gỡ những mối quan hệ mới, đây là cơ hội để bạn có thể kêu gọi vốn, đơn giản bắt đầu với câu trả lời cho câu hỏi “Bạn là ai?” và “Bạn làm gì?”
Đương nhiên đây không phải là lúc lôi điện thoại ra và chia sẻ cả bài thuyết trình powerpoint. Đang trong bữa tiệc, không ai muốn bận rộn đầu óc kiểu như vậy.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đúc kết câu chuyện của mình trong vòng 15 giây. Ví dụ đơn giản:
“Chào Elizabeth, rất vui được quen biết bạn. Bạn làm trong mảng nào?”
“Chào bạn, mình là chủ một công ty khởi nghiệp cung cấp công nghệ cho việc kiểm soát các chiến dịch quảng cáo. Thật ra công ty mình hiện tại đang kêu gọi vốn, nếu bạn hoặc ai đó bạn biết muốn tìm hiểu thêm về bọn mình".
Nếu không phù hợp, họ sẽ chuyển sang chủ đề trò chuyện khác. Còn nếu may mắn hơn, 15 giây đó có thể tạo ra cơ hội kết nối với những nhà đầu tư thiên thần cho Elizabeth.