FDI đổ vào Việt Nam tăng kỷ lục, dự án được cấp phép mới trong một ngành kinh tế chiếm hơn 70% tổng vốn

Pha Lê |

Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm hàng đầu cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và giá trị cao.

Tổng cục Thống kê mới đây đã công bố Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm. Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.

FDI đổ vào Việt Nam tăng kỷ lục, dự án được cấp phép mới trong một ngành kinh tế chiếm hơn 70% tổng vốn- Ảnh 1.

Ảnh: Báo Chính Phủ

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,93 tỷ USD, chiếm 78,5% tổng vốn FDI thực hiện. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD, chiếm 9,7%. Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 259,8 triệu USD, chiếm 4,1%.

Tính đến ngày 20/4/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam  đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký cấp mới có 966 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký.

Cụ thể, trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giấy phép được cấp mới đạt số vốn đăng ký gần 5 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 22,5%; các ngành còn lại đạt 519,6 triệu USD, chiếm 7,3%.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,03 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,68 tỷ USD, chiếm 20,1%; các ngành còn lại đạt 635,1 triệu USD, chiếm 7,6%.h

FDI đổ vào Việt Nam tăng kỷ lục, dự án được cấp phép mới trong một ngành kinh tế chiếm hơn 70% tổng vốn- Ảnh 2.

Hình minh họa

Chia sẻ trên tờ VNEconomy, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc cấp cao Khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết: "Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài đáng kể nhất, trong đó Việt Nam đóng vai trò là cơ sở sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao.

Nhìn về tương lai, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành trung tâm hàng đầu cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và giá trị cao, được thúc đẩy bởi sự chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kỹ thuật số và áp lực biến đổi khí hậu toàn cầu.

Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, Việt Nam sẵn sàng thu hút dòng vốn chất lượng, phù hợp với mục tiêu phát triển của mình, củng cố vị thế là một quốc gia chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong các đối tác đầu tư, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 2,59 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư 898,6 triệu USD, chiếm 12,6%. Nhật Bản 814,1 triệu USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư. Các vị trí tiếp theo phải kể đến Trung Quốc 740,2 triệu USD (10,4%); Thổ Nhĩ Kỳ 730,1 triệu USD (chiếm 10,3%); Đài Loan 512,3 triệu USD (7,2%).

Theo đánh giá của Chuyên gia kinh tế, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, nền kinh tế phục hồi và phát triển ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu là những điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. "Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, cửa ngõ giao thương hàng hóa quốc tế bằng đường biển. Cơ sở hạ tầng và công nghệ ngày càng đồng bộ cũng là lợi thế và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam", ông Lâm chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại