Thuốc kháng virus được quảng cáo xuất xứ từ Nga được nhiều người truyền nhau mua về dùng với giá "cắt cổ"
BS Ninh Quốc Tuấn, Bệnh viện Quân y 103 - Học viện Quân y cho biết, khi được tăng cường hỗ trợ Sài Gòn, Bắc Giang và hiện tại là tỉnh Kiên Giang có rất nhiều câu hỏi xung quanh việc sử dụng thuốc mà anh phải giải đáp và hướng dẫn cho người dân.
Theo đó, những câu hỏi phổ biến gồm: Thuốc này dùng làm gì? Thuốc kia dùng thế nào? Tôi uống cái này được không, sao hàng xóm được phát được uống thuốc xanh đỏ, mà tôi cũng F0 mà không được cấp?
“Đó là những câu hỏi phổ biến mà gần như F0 nào cũng từng đặt ra”, BS Quốc Tuấn cho hay.
Thuốc để điều trị bệnh, nhưng BS Tuấn cho rằng chỉ nên sử dụng khi có bệnh, dưới sự chỉ định của thầy thuốc. Vì thuốc luôn là con dao hai lưỡi. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 mũi 2 khá lớn thì số bệnh nhân Covid 19 không triệu chứng và nhẹ đang có xu hướng tăng, chiếm phần lớn khoảng 70-80% tổng số ca mắc.
“Nếu không thực sự cần thiết thì không nên sử dụng, tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Đối với bệnh Covid-19 cũng vậy, khi không có bất kỳ triệu chứng nào, thì khuyến cáo "KHÔNG CẦN DÙNG THUỐC ĐIỀU TRỊ".
Tuy nhiên, những F0 này phải tuân thủ chặt chẽ qui định tự cách ly, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, phải sát khuẩn hàng ngày và đảm bảo có sự kết nối thường xuyên với nhân viên y tế để được theo dõi hàng ngày”, BS Quốc Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần lưu ý ăn uống đủ dinh dưỡng tăng cường sức đề kháng, và chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc thiết yếu. Một số loại thuốc thiết yếu mà F0 không triệu chứng tự theo dõi tại nhà cần chuẩn bị sẵn:
Thứ 1 là thuốc hạ sốt. Loại thuốc phổ biến là paracetamol, đây là thuốc khá phổ biến và thông dụng. Kể cả ko phải F0 thì trong tủ thuốc gia đình cũng nên có để dự phòng. Thông thường, liều lượng uống paracetamol được tinh là 10-15g/kg cân nặng.
Ví dụ 1 người 50kg sẽ uống được 1 viên 500mg. uống mỗi lần cách nhau 4-6 tiếng, một ngày uống tối đa 5 lần.
“Nếu uống quá liều, có thể dẫn đến suy gan, ngộ độc. Nên F0 hết sức chú ý”, BS Tuấn nhấn mạnh.
Thứ 2 là nước súc họng: Có thể là dung dịch pha sẵn, hoặc nước muối sinh lý, súc họng khoảng 3-5 lần mỗi ngày.
Thứ 3 là thuốc kháng viêm và chống đông. Thuốc chỉ dùng khi có biểu hiệu suy hô hấp. Riêng với loại thuốc này cần phải được sự chỉ dẫn kỹ càng từ bác sĩ.
Qua thực tế tăng cường các địa phương chống dịch, BS Tuấn nhận thấy hiện nay có tình trạng khá phổ biến người dân tự ý sử dụng kháng virus. Tình trạng này có chiều hướng gia tăng. Mọi người thường lên mạng chia sẻ những loại thuốc được bán trôi nổi trên thị trường quảng cáo chữa khỏi Covid-19 hoặc phòng Covid-19. Kéo theo đó, trên thị trường rất nhiều loại thuốc gắn mác diệt virus, điều trị Covid-19.
“Thuốc Arbidol xuất xứ từ Nga, thuốc molcovir xuất xứ Ấn độ, được quảng cáo thần thánh hoá lên, uống 3-5 ngày là khỏi, với giá trên trời 4-5 triệu đồng/1 hộp.
Bản thân tôi thật sự khuyên người dân không nên tự ý mua thuốc trị Covid-19 trôi nổi trên mạng.
Việc điều trị F0 tại nhà đã được Bộ Y tế ban hành những hướng dẫn hết sức cụ thể, chi tiết. Các phác đồ điều trị này cũng đã được chuyển xuống hệ thống cơ sở y tế địa phương để tuyên truyền kiến thức tới người dân.
Việc người dân tự ý mua thuốc trị Covid-19 trên mạng vừa sai về mặt pháp lý (khi thuốc không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành), rủi ro rất lớn về mặt sức khỏe, thậm chí là nguy hại tới tính mạng.
Đặc biệt, khi sử dụng thuốc kháng virus cần có sự hỗ trợ chỉ dẫn của bác sĩ về từng đối tượng từng bệnh nhân”, BS Tuấn nhấn mạnh.
BS Tuấn cũng thông tin thêm, theo quyết định mới nhất của Bộ y tế thì hiện tại có 3 thuốc kháng virus dùng điều trị bệnh nhân Covid 19 là Remdesivir, Favipiravir và Molnupiravir.
Đối với thuốc kháng virus Favipiravir 200 mg: được dùng cho bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình. Thời gian điều trị thuốc Favipiravir 200 mg giảm xuống còn 5-7 ngày (thay vì 7-14 ngày như quy định trước đó).
Đối với thuốc Remdesivir chỉ định sử dụng đối với bệnh nhân khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở oxy lưu lượng dòng cao (HFNC), hoặc thở máy không xâm nhập; sử dụng phối hợp với corticoid (ưu tiên dexamethason), ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao: Người bệnh trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người bệnh béo phì (BMI > 25).
Đối với thuốc kháng virus Molnupiravir dùng cho người mắc Covid-19 triệu chứng nhẹ: có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời.
“Nếu không có triệu chứng lâm sàng, không sử dụng thuốc. Đó là những thông tin rõ ràng về các loại thuốc kháng virus”, BS Tuấn nhấn mạnh.