F-35A báo hiệu "ác mộng" cho hoạt động Nga ở biển Baltic?

Đức Trí |

NATO mới đây đã chính thức đưa F-35A đến biển Baltic làm nhiệm vụ bảo vệ đồng minh, với vũ khí “khủng” máy bay này được dự báo sẽ là “ác mộng” đối với Nga.

Máy bay F-35A sẽ lần đầu tiên làm nhiệm vụ ở biển Baltic. Nguồn: Sina.

Máy bay F-35A sẽ lần đầu tiên làm nhiệm vụ ở biển Baltic. Nguồn: Sina.

Theo báo cáo của hãng thông tấn Interfax, Căn cứ Không quân Amari ở Estonia mới đây đã tổ chức luân chuyển nhiệm vụ. Theo đó, Không quân Đức đã bàn giao nhiệm vụ bảo vệ không phận của các nước Baltic cho Không quân Italia.

Bộ chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Estonia cho biết, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 sẽ lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên không ở biển Baltic.

Theo báo cáo, Cụm hàng không số 13 của Không quân Italia sẽ thực hiện nhiệm vụ cảnh báo trên không tại Estonia, các máy bay chiến đấu của lực lượng này sẽ túc trực tại Căn cứ Không quân Amari để thực hiện các chuyến bay huấn luyện và trinh sát khi cần thiết.

Năm 2018, các máy bay chiến đấu của Italia đã đóng tại căn cứ Amari để thực hiện các nhiệm vụ cảnh báo trên không. Vào ngày 29/4 năm nay, một đơn vị khác của Italia được trang bị máy bay chiến đấu Typhoon đã được triển khai tại Căn cứ Không quân Siauliai ở Litva để thực hiện nhiệm vụ tương tự.

Được biết, kể từ năm 2004, Lực lượng Không quân Quốc gia NATO đã bảo vệ không phận của Estonia, Latvia và Litva. Năm 2012, NATO đã mở rộng sứ mệnh bảo vệ vô thời hạn không phận của các nước Baltic.

Theo báo cáo, 4 máy bay chiến đấu F-35A của Không quân Italia đã đến Căn cứ Không quân Amari ở Estonia vào ngày 30/4. Đây là đợt triển khai dài hạn đầu tiên của F-35A gần biên giới phía Tây của Nga.

Hãng thông tấn Sputnik/Nga hồi tháng 4/2017 đưa tin, hai máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ đã đến Căn cứ Không quân Amari ở Estonia. Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia đã gặp mặt phi hành đoàn của F-35A.

Tháng 3/2020, trong quá trình bay huấn luyện của hai máy bay tuần tra chống ngầm Tu-142 của Hải quân Nga ở Bắc Đại Tây Dương và Biển Na Uy, Không quân Na Uy đã điều động các máy bay chiến đấu F-35A được triển khai ở Iceland tới ngăn chặn. Nhiều khả năng kịch bản này sẽ lặp lại trên biển Baltic trong thời gian tới.

F-35A được dự báo không chỉ là “cục xương khó nhằn” đối với máy bay Nga trên biển Baltic, mà còn nhiều khả năng sẽ trở thành “ác mộng” đối với tàu chiến Nga khi hoạt động ở vùng biển này.

Tháng 2/2021, tên lửa chống hạm RGM-184 do công ty Kongsberg Defense & Aerospace (KDA) của Na Uy thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất và trên mặt nước, đã được thử nghiệm phóng ra từ khoang bên trong máy bay F-35A Lightning II.

F-35A báo hiệu ác mộng cho hoạt động Nga ở biển Baltic? - Ảnh 1.

Siêu tên lửa diệt hạm RGM-184 đã thử nghiệm phóng thành công từ F-35A. Nguồn: Sina.

Tên lửa chống hạm RGM-184, còn được gọi là Naval Strike Missile (NSM) (tên lửa tấn công hải quân) có thể tiêu diệt tàu Nga. Tháng 1/2021, tờ The Drive đưa tin năm 2022, Hải quân Mỹ sẽ trang bị ít nhất một trong các tàu chiến của họ bằng tên lửa RGM-184.

Tháng 2/2019, trên cổng thông tin Defense24 của Ba Lan, chuyên gia quân sự Maximilian Dura nói tên lửa NSM "cho phép ngăn chặn di chuyển của các tàu dân sự đến hoặc đi từ Nga", và do đó "chôn vùi hy vọng hỗ trợ thông tin liên lạc trên biển của Nga".

Tên lửa chống hạm NSM (theo tên gọi của Mỹ là RGM-184) được thiết kế để tấn công các mục tiêu mặt nước. Tốc độ của tên lửa đạt 0,95 Mach, tầm bắn 185 km.

Không chỉ mang tên lửa chống hạm khủng, F-35A được cho là đã thành công thử nghiệm mang bom hạt nhân chiến thuật B61-12 bên trong thân, bay ở tốc độ siêu âm khi ở chế độ tàng hình hoàn toàn để tấn công mục tiêu cho thấy, F-35A có thể trở thành một thành phần trong Bộ ba Hạt nhân Mỹ.

Bom B61-12 là vũ khí hạt nhân chiến thuật - thường được sử dụng trên chiến trường chống lại các mục tiêu như đoàn xe tăng, sở chỉ huy, đơn vị tên lửa, sân bay, bãi tiếp liệu và các mục tiêu chiến trường có giá trị cao khác của đối phương.

B61-12 là bom hạt nhân sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính (INS), có công suất thấp với 4 tùy chọn - 0,3 kiloton (sức công phá tương đương 300 tấn thuốc nổ TNT), 1,5 kiloton, 10 kiloton và 50 kiloton. Để hình dung, vụ nổ hóa chất ở Beirut năm 2020 ước tính khoảng 300 đến 400 tấn TNT, trong khi quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima khoảng 15 kiloton.

Khi ở trên không, bom sử dụng Cơ chế Cảm biến Môi trường (Environmental Sensing Mechanisms - ESM) để xác định quả bom thực sự được gắn vào máy bay, đang ở trên không, được thả ở độ cao cần thiết…, và các yếu tố khác.

Nếu một trong các bước và phép kiểm tra không thành công, bom sẽ không nổ. Các quả bom cũng được thiết kế để không cho các nhóm khủng bố có cơ hội qua mặt quy tắc an toàn hoặc khai thác vật liệu phân hạch bên trong.

Ngày 25/8/2020, F-35A đã thành công khi bay nhanh hơn tốc độ âm thanh, dùng bom hạt nhân B61-12 giả tấn công mục tiêu từ độ cao 3.200 m tại bãi thử Tonopah của Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia, Nevada. Mất khoảng 42 giây để quả bom đánh trúng mục tiêu giả định trên thao trường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại