Theo báo cáo của truyền thông Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Marius Blasak cho biết, cuối tháng 1/2020, Ba Lan sẽ ký hợp đồng mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. "Hai bên đã hoàn tất các cuộc đàm phán, chỉ còn lại các vấn đề thủ tục nhỏ.
Tôi tin chắc rằng cuối tháng 1 này, chúng tôi và Mỹ sẽ ký hợp đồng mua 32 máy bay chiến đấu F-35". Bộ trưởng Marius Blasak nói.
Giới quan sát cho rằng, F-35 sẽ thay thế các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-22 được sản xuất dưới thời Liên Xô và vẫn đang phục vụ trong Không quân Ba Lan. Ngoài ra, Không quân Ba Lan cũng được trang bị máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.
Đài phát thanh Ba Lan đánh giá, F-35 là máy bay hiện đại nhất trên thế giới, hợp đồng 32 máy bay này sẽ là thỏa thuận đắt giá nhất trong lịch sử nước này.
Tháng 9/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt việc bán 32 máy bay chiến đấu F-35 cho Ba Lan với giá trị hợp đồng ước tính là 6,5 tỉ USD.
Cơ quan Hợp tác Quốc phòng và An ninh Mỹ khẳng định, thỏa thuận này sẽ mang lại cho Ba Lan "khả năng chống lại sự xâm lược trong khu vực".
Nhà phân tích chính trị Nga Alexander Asafov cho biết, F-35 là thừa đối với Ba Lan. Bản thân F-35 có vấn đề, và hiệu quả của nó vẫn là điều đáng "nghi ngờ". Những gì Ba Lan đang làm chỉ là một bước chính trị, để chứng minh lòng "trung thành" với NATO và Mỹ.
MiG-29 từ thời Liên Xô sẽ được Không quân Ba Lan loại bỏ khỏi biên chế. Nguồn: Sina.
Tháng 11/2019, Không quân Ba Lan tuyên bố khôi phục máy bay chiến đấu MiG-29 cũ. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện hợp đồng mua sắm F-35, Không quân Ba Lan quyết định sẽ loại khỏi biên chế MiG-29 vào tháng 3/2020.
Raimund Andrzejczak, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ba Lan khẳng định với Defense News rằng, Không quân Ba Lan thực sự muốn ngừng sử dụng tất cả các máy bay cũ của Nga, như MiG-29 và Su-22. Việc mua F-35 là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quy mô lớn cho Quân đội Ba Lan.
Ngoài F-35, Ba Lan cũng quan tâm đến việc mua máy bay vận tải C-130 và hệ thống tên lửa chống tăng Javelin. Việc mua sắm các thiết bị này là để đối phó với mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ Nga.
Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Ba Lan cũng chỉ ra rằng, Warsaw đang cố gắng giảm tối đa việc phụ thuộc vào các linh kiện, thiết bị quân sự của Liên Xô. Hiện, một số vũ khí của Liên Xô vẫn phục vụ trong quân đội Ba Lan, như xe tăng T-72, trong tương lai gần, không loại trừ trường hợp Ba Lan sẽ thay thế toàn bộ các thiết bị này.
Hệ thống tên lửa "đắt đỏ" Javelin cũng được Ba Lan chú ý đến. Nguồn: Sina.
F-35 không phải là vũ khí đầu tiên của Mỹ được Ba Lan mua. Năm 2018, Ba Lan đã ký thỏa thuận trị giá 4,75 tỉ USD để mua các hệ thống phòng không Patriot. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết, Ba Lan sẽ tiếp nhận các hệ thống đầu tiên vào năm 2022.
Ngoài ra, một hợp đồng quan trọng khác cũng đã được ký vào năm 2019, đó là việc Ba Lan chi 414 triệu USD để mua 20 hệ thống tên lửa HIMARS của Mỹ.
Ngoài việc mua vũ khí của Mỹ, Ba Lan cũng dự định mở rộng sự hiện diện của Quân đội Mỹ tại quốc gia này. Chính phủ Ba Lan thậm chí đã bày tỏ sẵn sàng phân bổ 2 tỉ USD để xây dựng một căn cứ quân sự lâu dài của Mỹ.
Tổng biên tập tạp chí Arms Exports của Nga, ông Andrei Frolov nói rằng, Ba Lan đi theo con đường thân Mỹ và trở thành một hình mẫu của quốc gia phục tùng NATO.
Mỹ đã chọn Ba Lan làm tiền đồn của NATO ở biên giới phía Đông của Nga. Mặc dù F-35 có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng đối với Nga, việc Ba Lan trang bị cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ không tạo ra quá nhiều nguy hiểm thực sự nghiêm trọng.
Một khi xảy ra chiến sự giữa hai bên, Ba Lan vẫn bị hủy diệt chỉ trong một vài giờ đồng hồ.