Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tân tiến bậc nhất của Nga đã gây ra một cuộc cãi vã ngoại giao giữa Ankara và Washington, đồng thời cũng khiến nước thành viên NATO này bỏ lỡ cơ hội được tiếp nhận dòng máy bay chiến đấu tàng hình F-35 hiện đại.
Tuy nhiên, thương vụ S-400 vẫn còn một hệ lụy nữa ít được nhắc tới, đó là nó có thể bộc lộ những nguy cơ chết người đối với Moscow trong kế hoạch đối phó với các tiêm kích thế hệ 5 F-22 và F-35 của Mỹ.
Những bài báo viết về mối đe dọa của hệ thống tên lửa S-400 với chương trình F-35 nhiều không đếm xuể. Giới chuyên gia quốc phòng - quân sự am hiểu vấn đề cho rằng việc tích hợp các hệ thống của Nga vào mạng lưới phòng không NATO sẽ giống như lời tuyên án tử hình đối với sức mạnh không quân của khối liên minh.
Các hệ thống tên lửa phòng không S-400 triển khai tại Syria. Ảnh: BQP Nga
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia của Mỹ còn bày tỏ lo ngại các tổ hợp tên lửa S-400 mà Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể hóa giải được công nghệ tàng hình trang bị cho F-35 và thu thập được những thông tin tình báo quan trọng trên dòng máy bay tiên tiến thế hệ 5 được đánh giá là sẽ vẫn giữ vai trò xương sống trong Không quân Mỹ nhiều thập kỷ tới đây.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, trong khi theo đuổi các chiến dịch quân sự ngày càng bộc lộ rủi ro ở những địa bàn xa như Syria thì Nga cũng vẫn phải dựa vào các hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu và cơ sở hạ tầng quân sự ở trong nước. Dó đó, đánh bại được các hệ thống như S-400 có thể sẽ khiến Nga dễ dàng bị tấn công.
Tất nhiên, "khả năng Mỹ nắm bắt được các thông tin về tên lửa S-400 còn phụ thuộc hoàn toàn vào những điều kiện mà người Nga đặt ra cho phía Thổ Nhĩ Kỳ", Justin Bronk, chuyên gia về tác chiến trên không thuộc Viện Nghiên cứu An ninh - Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) bình luận.
"Mỹ từ trước tới nay chưa bao giờ sở hữu được một hệ thống S-400 nào nên việc có được cơ hội khai thác nó là một ưu tiên cao. Tuy nhiên, rất có thể hệ thống này trên thực tế sẽ do các nhân viên người Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ vận hành và bảo vệ".
Các bộ phận đầu tiên của S-400 được chuyển giao cho Thổ nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Phiên bản xuất khẩu của S-400 chắc chắn không giống hoàn toàn với các hệ thống mà Nga sử dụng ở trong nước. Thế nhưng, một cựu quan chức cấp cao Không quân Mỹ chia sẻ trên tờ Business Insider rằng, Mỹ đã nghiên cứu rất rõ các khả năng phòng không của Nga và biết được biến thể xuất khẩu không khác quá xa phiên bản gốc.
"Nga sẽ bán S-400 cho bất cứ nước nào đem tiền về cho họ", vị quan chức trên giải thích. "Nền kinh tế yếu kém của Nga là nguyên nhân lý giải cho việc Moscow mạo hiểm bán S-400 cho một quốc gia thành viên NATO".
Cho dù Nga có thể thu thập được một số thông tin tình báo nào đó về F-35 thông qua mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ thì đây rõ ràng vẫn phải là con đường hai chiều chứ không thể chỉ một chiều.
Trong khi các máy bay tàng hình F-35 là những hệ thống đơn lẻ thì hệ thống phòng thủ S-400 của Nga được thiết kế để đối phó với nhiều mục tiêu của Mỹ, gồm cả các tên lửa hải quân.
Vì vậy, một khi các thông số kỹ thuật của S-400 bị bộc lộ thì tình huống này thậm chí còn tồi tệ hơn cả việc F-35 bị lộ một số yếu tố nào đó.
"Tận mắt nghiên cứu được cấu trúc hệ thống của S-400 sẽ đặc biệt có giá trị với NATO", chuyên gia Justin Bronk kết luận.
Hệ thống S-400 được triển khai tới Dzhankoy