F-22 không chiến với Su-35 Nga: Mỹ thua toàn tập, khó kịp trở tay!

Trung Phạm |

Khi không chiến, những lợi thế tưởng như rất to lớn về tàng hình của F-22 không có nhiều ý nghĩa, trong khi Su-35 lại cơ động tốt hơn, mang nhiều tên lửa hơn F-22.

Ngày 13/12/2017, hai chiến đấu cơ tàng hình F-22 của Mỹ đã xuất kích ngăn chặn hai chiếc Su-25 và Su-35 của Nga mà phía Mỹ cho là vi phạm không phận hoạt động của họ ở Syria.

Theo Alex Lockie, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại và quân sự của Business Insider, vụ việc không những không chứng tỏ được sức mạnh của F-22 mà lại còn bộc lộ điểm yếu đầy bất lợi của loại máy bay chiến đấu hàng đầu này của Mỹ.

F-22 được xem là dòng máy bay tiêm kích "sát thủ" nhất của Mỹ, nổi tiếng với các kỹ thuật nhào lộn trên không và khả năng tàng hình tối ưu, che giấu nó khỏi sự phát hiện của radar đối phương từ khoảng cách rất xa.

Trong khi F-35 được phát triển để hoạt động giống như một "tiền vệ" trên sân cỏ, có thể không chiến, ném bom các mục tiêu mặt đất, thu thập thông tin tình báo hay thực hiện nhiệm vụ trinh sát thì F-22 lại chuyên biệt về một thứ: tác chiến không đối không.

Tuy nhiên, với các nguyên tắc không chiến hiện nay, những lợi thế tưởng như rất to lớn về tàng hình của F-22 lại không mang nhiều ý nghĩa.

Thông thường, trong một vụ ngăn chặn, một chiến đấu cơ sẽ tiếp cận gần chiếc máy bay đã xâm phạm không phận và thông báo qua vô tuyến một dạng thông điệp kiểu như "hãy quay trở lại, không gặp rắc rối đấy!".

Lúc này, thường thì chiếc máy bay đánh chặn sẽ xòe cánh, thể hiện cho đối phương vi phạm thấy một sải cánh đầy tên lửa. Thế nhưng, F-22 lại không thể làm điều đó. Do thiết kế tối ưu hóa tàng hình, F-22 cất giữ các tên lửa và bom ở trong thân.

Một phi công xâm phạm không phận Mỹ hoặc không phận được Mỹ bảo vệ khi đối diện chiếc F-22 thực sự chẳng có ý tưởng gì rằng chiếc máy bay này đang được vũ trang. Trong khi đó, Su-35 của Nga lại mang nhiều tên lửa hơn F-22 và bố trí ở nơi mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy.

Như vậy, nếu một cuộc ngăn chặn thông thường biến thành cuộc không chiến, F-22 sẽ khởi đầu cuộc chiến với một bất lợi rất lớn.

F-22 không chiến với Su-35 Nga: Mỹ thua toàn tập, khó kịp trở tay! - Ảnh 1.

Do thiết kế tàng hình tối ưu, F-22 cất giữ các tên lửa và bom ở trong thân

Ưu thế tàng hình trở nên bất lợi

Các máy bay F-22 của Mỹ phụ thuộc vào thiết kế tàng hình và thiết lập cuộc chơi theo cách riêng của chúng. Khi máy bay đối phương không nhìn thấy F-22 ở đâu thì xu hướng hành động của phi công F-22 sẽ là tuyên chiến. Lý tưởng nhất là tung đòn tấn công khi đang không bị nhìn thấy.

Tuy nhiên, nếu cuộc không chiến xảy ra trong vụ ngăn chặn ngày 13/12, phi công Nga sẽ khai cuộc với một lợi thế lớn: F-22 đang hiển hiện ngay trước mắt. Hơn nữa, trên thực tế, Su-35 của Nga có độ cơ động tốt hơn so với F-22.

Trung tá David "Chip" Berke, phi công Thủy quân lục chiến Mỹ duy nhất lái cả F-22 và F-35 trước đây từng cho biết, khi bay F-22, "mục tiêu xuất kích của tôi không phải là biến thành cuộc giao chiến với đối phương". Thay vào đó, Berke nói rằng, ông sẽ dùng những ưu thế tàng hình tự nhiên của F-22 để tránh một cuộc không chiến.

Tất nhiên, việc Su-35 của Nga có thể nhào lộn tốt hơn và có nhiều tên lửa hơn không có nghĩa là nó đương nhiên sẽ chiến thắng trong một cuộc không chiến nảy sinh từ một cuộc ngăn chặn.

Các khả năng của F-22 và phi công lái chúng - những phi công tốt nhất của Không quân Mỹ, chắc chắn sẽ có cơ hội trong một cuộc giao chiến như vậy.

Những pha nhào lộn ngoại mục của Su-35

Nhưng bởi vì F-22 mang vũ khí bên trong và phụ thuộc vào thiết kế tàng hình nên Justin Bronk, chuyên gia về không chiến của Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề Quốc phòng và An ninh (RUSI) từng nói rằng, "các máy bay thế hệ 5 như F-22 và F-35 không thực sự cần thiết cho các nhiệm vụ ngăn chặn. Những máy bay đánh chặn khác rẻ hơn có thể làm công việc đó".

Viễn cảnh về một cuộc không chiến với các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga trên bầu trời Syria sẽ còn rất ít khả năng xảy ra vì cả Nga và Mỹ đều đã quyết định rút quân sau khi các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) đã bị đánh bại.

Trên thực tế, các cuộc xung đột trên không ở Syria giữa các máy bay Mỹ và Nga luôn được xử lý kịp thời nhưng không phải bằng các máy bay chiến đấu. Mỹ và Nga duy trì một ranh giới tránh xung đột và bên này sẽ gọi cho bên kia ngay lập tức để cảnh báo lẫn nhau.

Nhưng những quy luật tấn công, như chúng vốn có, khiến loại máy bay hàng đầu này của Mỹ rõ ràng rơi vào tình thế bất lợi nếu điều tồi tệ nhất xảy ra và không chiến bùng phát giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại