"Mong manh dễ vỡ"
Người Ukraine đã mất hơn 2 năm để có được những chiếc F-16 từ các nước NATO, thứ mà họ kỳ vọng sẽ "giành lại ưu thế trên không". Hiện NATO đã cam kết sẽ cung cấp cho Kiev khoảng 60 chiếc F-16 và chúng đến từ Hà Lan, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch.
Nhưng người Ukraine vẫn phàn nàn rằng cần ít nhất 100 chiếc nữa và quan trọng hơn chúng phải được hiện đại hóa.
Và để đảm bảo các tiêm kích đa năng này có thể xuất kích từ lãnh thổ Ukraine chứ không phải một sân bay NATO nào đó, họ cũng đang nỗ lực làm việc để biến các sân bay quân và dân sự nước mình thành nơi phù hợp với F-16.
Dù nhiều chuyên gia đã bình luận "nát nước" về khả năng của F-16 trước các máy bay của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) thì có một điều mà họ chưa từng nói tới đó là chính nỗ lực nói trên của Kiev cũng thể hiện một nhược điểm chính của chiếc tiêm kích Mỹ.
Đó là việc đảm bảo hậu cần và bảo trì của F-16 có thể là một "cơn ác mộng".
Mặc dù F-16 chỉ có 1 động cơ nhưng độ bền, chi phí và công sức để bảo trì nó được cho là cao hơn những chiếc MiG-29 và Su-27 2 động cơ thời Liên Xô còn lại của Ukraine.
Có thể ví dụ về việc gần đây một chiếc MiG-29 đã trở lại căn cứ sau khi một trong các động cơ của nó bị hỏng cho thấy những chiếc máy bay Liên Xô này vẫn còn đáng tin cậy. F-16 vốn "mong manh dễ vỡ" hơn sẽ không thể lặp lại kỳ tích này vì nó chỉ có 1 động cơ.
Hơn nữa, chính các phi công Ukraine cũng từng cảnh báo rằng các tiêm kích Liên Xô còn lại của họ "ở hầu hết khía cạnh" đều vượt trội hơn F-16.
"Chiếc lá cuốn bay"?
Theo nhận định của tờ Politico, việc xuất kích của F-16 Ukraine cũng sẽ "cực kỳ khó khăn". Tờ báo lưu ý rằng bất kỳ dấu hiệu nào về F-16 trong các căn cứ không quân Ukraine cũng sẽ dẫn tới việc nơi đó trở thành mục tiêu hàng đầu cho các cuộc tập kích trên không của Nga.
Và một khi đã bị người Nga "đánh dấu", việc vận hành những chiếc F-16 ở đó sẽ là bất khả thi trong tương lai gần.
Điều đó sẽ dẫn đến việc xuất kích F-16 sẽ xảy ra ở các sân bay dã chiến, sân bay dân sự nơi đường băng ít phù hợp hơn, hành động có thể dẫn tới hư hỏng các thiết bị trên tiêm kích.
Cần lưu ý rằng vấn đề này không phải do người Nga suy diễn mà đến từ bình luận của cựu phi công Mỹ, người đã từng điều khiển 1 chiếc F-16 trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ ông Tom Richter trên tờ Politico:
“Nếu bạn đã từng chạm tay vào một chiếc MiG-29 tại một triển lãm hàng không rồi chuyển sang chiếc F-16, bạn có thể cảm nhận được ngay từ bên ngoài rằng F-16 đi cùng các công nghệ cao cấp ra sao...
Tóm lại nó rất nhạy cảm và cần được bảo trì thường xuyên. Máy bay Liên Xô cứng cáp hơn... chúng có thể cất cánh từ các sân bay được chuẩn bị kém và ít phải bảo trì".
Tờ Politico cũng phải thừa nhận rằng đáng lẽ Ukraine phải xây dựng các căn cứ không quân và đường băng hiện đại trước khi nhận F-16 (điều không thể trong tình hình hiện nay). Có thể hiểu thông điệp này là F-16 không được thiết kế cho một cuộc chiến tranh đối xứng.
Thực tế này cũng được Yury Ignat - phát ngôn viên của Không quân Ukraine xác nhận như sau:
“Những tiêm kích này cần một số điều kiện nhất định để xuất kích bao gồm chuẩn bị đường băng.
Lý do là vì khung gầm của nó mỏng manh hơn (so với) MiG, bánh xe nhỏ, lượng hút khí vào động cơ thấp và có nguy cơ vật thể bị hút vào (cửa hút khí)".
Theo chuyên gia Justin Bronk của tổ chức phân tích RUSI (Anh), để tránh các nguy cơ nói trên, nhiều khả năng các đội bảo trì Ukraine sẽ phải sử dụng các chất hóa học để bịt kín các vết nứt và những điểm bất thường trên bê tông đường băng trước khi F-16 xuất kích.
Tất nhiên NATO cũng sẽ cung cấp mọi thứ mà Kiev cần cho quá trình này - nhưng đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Vấn đề quan trọng nhất đó là người Ukraine phải làm điều này trên các đường băng gần mặt trận mà không để người Nga phát hiện và "đánh dấu".