Theo báo cáo của Đài truyền hình Damacus ngày 22/2, Nga đã đưa ra tuyên bố chính thức tham gia vào chiến trường Idlib để đối phó với việc Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng phiến quân hợp tác tấn công với Quân đội Syria (SAA).
Theo đó, bắt đầu từ ngày 20/2, Nga đã thiết lập vùng cấm bay ở không phận Idlib và Aleppo để kịp thời chi viện cho SAA. Các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga xuất phát từ căn cứ không quân Hmeymim phụ trách tiến hành tuần tra thường xuyên các không phận này.
Sau khi Nga thiết lập vùng cấm bay, một máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bất chấp xâm phạm không phận Aleppo, máy bay Su-35 của Nga đã ngăn chặn và xua đuổi. Theo báo cáo, Su-35 của Nga đã nhanh chóng khóa mục tiêu F-16, buộc máy bay này phải tháo chạy.
Được biết, Nga đã triển khai hơn 20 máy bay chiến đấu Su 35 cùng nhiều máy bay chiến đấu hiện đại khác tại căn cứ Hmeymim. Các máy bay chiến đấu này được trang bị radar mảng pha và động cơ công suất cao, có khả năng chiến đấu và cơ động mạnh mẽ gấp hai lần máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, F-16 của Ankara bắt buộc phải mang theo một thùng nhiên liệu nếu muốn hoạt động ở Aleppo, điều này đã ảnh hưởng đến khả năng cơ động của máy bay này và làm nó hoàn toàn không có “cửa” khi đối mặt với Su-35.
Máy bay Nga xuất phát từ căn cứ Hmeymin tuần tra không phận Idlib và Aleppo. Nguồn: Sohu.
Mặc dù Không quân Thổ Nhĩ Kỳ có hơn 200 máy bay chiến đấu F-16, điều này tạo ra lợi thế tuyệt đối về số lượng, nhưng trước các máy bay chiến đấu mạnh mẽ Su-35, Su-30SM, thậm chí là cả máy bay Su-57 cùng khả năng chiến đấu “điêu luyện” của phi công Nga và hàng loạt hệ thống phòng không hiện đại của Moscow bố trí ở Syria thì dường như số máy bay này của Ankara không dám xâm phạm vào không phận Idlib và Aleppo.
Theo nguồn tin của SAA, có nhiều dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đã rút tất cả các máy bay chiến đấu tại Syria sau khi Nga thiết lập vùng cấm bay và Ankara đang chờ sự giúp đỡ từ Mỹ và NATO để có thể đối phó với hành động của Nga.
Máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên xuất hiện ở Syria. Nguồn: Sohu.
Kênh truyền thông Independent Turkish ngày 19/2 cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về các kế hoạch của nước này thực hiện một chiến dịch quân sự xuyên biên giới tiến vào tỉnh Tây Bắc Idlib của Syria. Cùng với đó, Ankara cũng đề nghị liên minh quân sự NATO áp đặt vùng cấm bay ở khu vực trước khi phát động cuộc tấn công.
Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao từ một nước thành viên NATO tiết lộ với hãng thông tấn TASS rằng, liên minh quân sự này không có kế hoạch hỗ trợ quân sự cho Ankara nếu Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự ở phía Bắc Syria.
Trên thực tế, NATO không muốn trực diện xung đột với Nga. Do đó, nhiều khả năng đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ về việc thiết lập vùng cấm bay ở Syria sẽ không được NATO ủng hộ.