Vụ tập kích 29/4: F-15 Israel giả dạng tiêm kích Mỹ, khiến PK Nga-Syria không dám ho he?

QS |

Bằng cách nào các chiến đấu cơ Israel có thể đến gần mục tiêu mà không vấp phải bất cứ phản ứng đáng kể nào từ phía phòng không Syria, thậm chí cả Nga?

F-15I "giả dạng" F-15E Strike Eagle?

Vài ngày sau cuộc tấn công dữ dội nhằm vào các hoạt động quân sự của Iran tại Syria, thông tin mới về chiến dịch không kích của Israel tiếp tục dấy lên, mặc dù vẫn còn nhiều chi tiết không chắc chắn.

Hiện tại, trên mạng xã hội đang lan truyền tin đồn rằng, tiêm kích đa nhiệm F-15I Ra'am của Israel có thể đến gần mục tiêu mà không bị phát hiện là bởi chúng đã sử dụng bộ mã nhận/phát tín hiệu giống với các tiêm kích F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ. Ngoài ra, chúng đã chọn lộ trình bay vòng, qua Jordan và Iraq.

Theo bản tin của NBC News ngày 1/5, 3 quan chức giấu tên của Mỹ xác nhận rằng các tiêm kích F-15I của Israel đã xuất kích thực hiện nhiệm vụ ngày 29/4/2018.

Dựa trên các báo cáo trước đó thì những máy bay này đã tấn công một số mục tiêu tại tây bắc Syria, nhưng chủ yếu tập trung vào các lực lượng Iran và lực lượng do Iran hậu thuẫn trong Lữ đoàn lục quân số 47 của quân chính phủ Syria đóng gần Hama.

Cuộc tấn công đã san phẳng nhiều tòa nhà và được cho là đã phá hủy hàng trăm tên lửa (chưa xác định chủng loại), cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị khác.

Một câu hỏi được đặt ra là: Bằng cách nào các chiến đấu cơ Israel có thể đến gần mục tiêu mà không vấp phải bất cứ phản ứng đáng kể nào từ phía phòng không Syria?

Không giống như các vụ tấn công trước đây, chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad không hề đưa ra tuyên bố bắn hạ bất cứ vũ khí nào của Israel và cũng không có đoạn băng ghi hình "sẵn có" nào cho thấy các tên lửa đất-đối-không của Syria đang bay về phía các mục tiêu trong đêm.

Một điều đáng chú ý khác, máy bay Israel được cho là đã ném bom đường kính nhỏ (SDB) GBU-39/B trong vụ tấn công, thay vì tên lửa ngoài tầm nhìn Delilah.

GBU-39B, loại bom 130kg được dẫn đường bằng GPS, chỉ có tầm bắn tối đa khoảng 110km khi được máy bay thả xuống từ trên cao.

Điều này đòi hỏi các tiêm kích F-15I phải xâm nhập vào không phận Syria. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, chúng ắt sẽ xuất hiện trên màn hình radar của Syria hoặc những hệ thống radar của Nga đã được liên kết với mạng lưới phòng không Syria trước đó.

Tuy nhiên, cả phòng không Nga và Syria đều không có bất kỳ phản ứng nào trước vụ tấn công.

Vụ tập kích 29/4: F-15 Israel giả dạng tiêm kích Mỹ, khiến PK Nga-Syria không dám ho he? - Ảnh 1.

Căn cứ của lữ đoàn 47 bị thiệt hại sau vụ tấn công.

Một nguồn tin chưa được xác nhận lý giải rằng, các tiêm kích Israel đã "giả dạng" bằng cách thiết lập bộ nhận phát tín hiệu xác định bạn – thù (Friend or Foe) để nó phát ra cùng một loại tín hiệu như các tiêm kích F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ, đồng thời sử dụng các tín hiệu giả để không bị lộ.

Các tiêm kích F-15E Strike Eagle thường xuyên tiến hành các hoạt động ở đông Syria để hỗ trợ lực lượng Mỹ và đồng minh tại đây. Vì thế, sự xuất hiện của các máy bay Strike Eagle trên radar của Nga hoặc Syria tại đông Syria sẽ không gây nghi ngờ.

Bên cạnh đó, các tiêm kích của Israel được cho là đã bay qua Jordan, Iraq rồi mới vào đông Syria và thực hiện cuộc tấn công chớp nhoáng. Chúng có vẻ đã được tiếp nhiên liệu tại Iraq. Sau cuộc không kích, các máy bay này lại bay qua Jordan để về Israel.

Vụ tập kích 29/4: F-15 Israel giả dạng tiêm kích Mỹ, khiến PK Nga-Syria không dám ho he? - Ảnh 2.

Trên mạng xã hội lan truyền thông tin F-15I có thể đã "giả dạng" làm F-15E Strike Eagle để tấn công Syria.

Có khả năng không?

Theo trang mạng The Drive, đây là một cách lý giải tương đối hợp lý nhưng cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi. Nếu F-15I Israel giả dạng làm F-15E bay qua Jordan và Iraq, chúng sẽ phải có được sự hỗ trợ tích cực từ các quốc gia trên và của cả Mỹ nếu muốn tránh bất cứ phiền phức nào có thể làm lộ toàn bộ kế hoạch.

Đặc biệt, lực lượng Mỹ hiện nay cũng đang cảnh giác cao độ trước bất cứ động thái bất thường nào, sau khi có nhiều báo cáo cho rằng tại đông Syria thường xuyên diễn ra các cuộc tấn công điện tử nhằm vào máy bay có/không có người lái của Mỹ.

Vẫn hoàn toàn có khả năng quân đội Mỹ đóng một vai trò ngày càng tích cực trong các chiến dịch này của Israel. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thiết lập mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với Israel, thậm chí còn cam kết di chuyển trụ sở của Đại sứ quán Mỹ tại Israel sang Jerusalem – thành phố mà Israel tự công nhận là thủ đô, làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Song, như vậy là chưa đủ. Mặc dù phạm vi bao phủ của radar Iraq tương đối rải rác dọc biên giới Syria song tại đây còn có máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry của Không quân Mỹ và NATO, cùng các hệ thống radar khác của liên minh trên mặt đất đều đang làm nhiệm vụ hỗ trợ các chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Vì thế, khó có thể tưởng tượng được 4 chiếc F-15I của Israel có đủ khả năng vượt qua khu vực này mà không gặp trở ngại, đó là chưa kể thời gian chúng nạp nhiên liệu từ máy bay tiếp dầu của Không quân Israel.

Giả sử Mỹ "tiếp tay" cho Israel thì không rõ Washington đã thuyết phục Jordan hoặc Iraq chấp nhận kế hoạch này như thế nào.

Mặc dù là một đồng minh trung thành của Mỹ và đối tác truyền thống của Israel nhưng Jordan gần đây mới kết thúc cuộc tranh cãi ngoại giao lớn với Israel sau khi 2 người mang quốc tịch Jordan bị giết chết bên ngoài Đại sự quán Israel tại Amman năm 2017.

Do đó, không có gì chắc chắn mối quan hệ giữa 2 phía đã được cải thiện tới mức độ có thể hợp tác tiến hành chiến dịch quân sự.

Trong khi đó, Iraq – quốc gia đang duy trì mối quan hệ quân sự và ngoại giao với Nga, Iran và Syria – khó có thể chấp thuận một kế hoạch như vậy. Và nếu không đồng tình, các quan chức Iraq sẽ dễ dàng cảnh báo trước về cuộc tấn công cho chính quyền Assad.

Máy bay Israel có thể đã giảm bớt nhu cầu tiếp dầu bằng cách bỏ qua Iraq trong lộ trình bay, thay vào đó chúng bay cắt qua nam Syria, gần doanh trại At Tanf của quân đội Mỹ - nơi mà từ đó máy bay Mỹ thường xuất kích để tuần tra. Tuy nhiên, lựa chọn này vẫn buộc chúng phải bay qua không phận Jordan.

Vụ tập kích 29/4: F-15 Israel giả dạng tiêm kích Mỹ, khiến PK Nga-Syria không dám ho he? - Ảnh 3.

Các máy bay chiến đấu F-15C của Israel được tiếp nhiên liệu từ máy bay KC-707.

Như đã nêu ở trên thì những mảnh ghép này khó có thể ráp với nhau để chiến dịch tấn công của Israel diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, Israel hoàn toàn có thể lựa chọn phương án đơn giản hơn là ném bom SDB từ vị trí gần biên giới Lebanon – Syria để tấn công các mục tiêu tại Hama.

Đây là một chiến thuật quen thuộc đã được họ được áp dụng trong các cuộc tấn công trước đây, giúp các máy bay Israel tránh được đòn trả đũa.

Các tiêm kích Israel cũng có thể xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong phút chốc với tốc độ siêu thanh như khi tấn công sân bay quân sự Nairab của Syria ở Aleppo.

Trong năm 2007, các tiêm kích F-15I và F-16I của Israel đã bay qua Thổ Nhĩ Kỳ để phá hủy lò phản ứng hạt nhân bí mật của Syria tại đông Deir ez-Zor.

Tất nhiên, việc áp dụng một lộ trình tương tự trong cuộc tấn công ngày 29/4 sẽ ẩn chứa rủi ro do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường quan hệ với Nga, Iran và đã có những tranh cãi công khai với Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến chống IS.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ từng bắn hạ máy bay Nga và Syria xâm phạm không phận nước này từ năm 2014.

Một khả năng khác có thể lý giải cho sự im ắng bất thường của các hệ thống phòng không Syria là chúng đã bị tấn công điện tử hoặc tấn công mạng trước khi xảy ra vụ không kích.

Trong vụ việc "phòng không Syria hoang báo" đêm 16-17/4 vừa qua (xem tại đây), đã có những báo cáo về hoạt động "tấn công điện tử chung" giữa Mỹ và Israel nhằm vào hệ thống radar của Syria.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là vào thời điểm đó, không có vụ không kích nào diễn ra. Vì thế, hoạt động tấn công điện tử khi ấy có thể chỉ là một phần nhiệm vụ trinh sát/do thám hoặc là một bài tập thực hành để kiểm tra phương thức áp chế tiên tiến trước một cuộc tấn công thực.

Cần lưu ý, từng có thông tin Israel đã triển khai một chương trình máy tính có tên Suter để làm chệch hướng radar Syria và "dọn đường" cho cuộc tấn công ở Deir ez-Zor năm 2007.

Cũng có tin đồn rằng các tiêm kích tàng hình F-35I của Israel đã tham gia vào một số vụ tấn công trước đây. Mặc dù khó có khả năng là thật nhưng F-35I là mẫu máy bay có khả năng xuyên thủng mạng lưới phòng không Syria để ném bo SDB xuống các mục tiêu với khả năng bị phát hiện rất thấp.

Một cách giải thích khác hoàn toàn có khả năng là phòng không Syria phần lớn không có hiệu quả trước các cuộc tấn công đường không.

Tháng 2/2018, lực lượng Syria đã bắn hạ một chiến đấu cơ đa nhiệm F-16I của Israel nhưng đó là chiếc máy bay có người lái duy nhất mà họ tiêu diệt được trong hàng loạt các đợt không kích mà Israel đã tiến hành trong 18 tháng qua.

Bên cạnh đó, theo báo cáo từ Mỹ, phòng không Syria chỉ bắn ra 2 tên lửa đất-đối-không trong cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa của liên quân Anh-Pháp-Mỹ nhằm vào các cơ sở vũ khí hóa học của Syria ngày 14/4 vừa qua. Tới sau khi cuộc không kích kết thúc, tên lửa đánh chặn của Syria mới ồ ạt được phóng đi.

Tuy nhiên, năng lực tấn công của các máy bay chiến đấu Israel cũng đã được chứng minh trên thực tế, và chính phủ Israel đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ tiếp tục tấn công Iran và các lợi ích của nước này tại Syria.

Các quan chức Israel tuyên bố xem các hoạt động quân sự và sức ảnh hưởng của Iran tại Syria, cũng như sự hỗ trợ ngày càng gia tăng của Iran dành cho các lực lượng mà nước này hậu thuẫn, như nhóm phiến quân Hezbollah, là mối đe dọa cần được vô hiệu hóa, bất chấp rủi ro ngày càng lớn.

Dù Israel đang thực hiện tuyên bố của mình với sự hỗ trợ trực tiếp ngày càng lớn từ Mỹ hay không thì Tel Aviv cũng cho thấy họ đang rất quyết tâm trong việc gây áp lực cho Iran và có lẽ, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều cuộc không kích hơn nữa trong tương lai.

Tiêm kích F-15I Ra'am của Israel trong cuộc tập trận Red Flag cùng với Không lực Hoa Kỳ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại