Cuộc chuyển giao quyền lực đầy tranh cãi
Ngày 22/3, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) đã phát đi thông báo về việc thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị. Theo đó, nữ doanh nhân 8x Lương Thị Cẩm Tú Thành viên Hội đồng Quản trị giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc – Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập.
Quyết định này đưa ra khá bất ngờ khi chỉ còn 1 tháng nữa là ngân hàng này sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Ông Minh Quốc cũng mới nắm giữ chức vụ này được nửa nhiệm kỳ.
Trong khi phía Eximbank cho biết, việc bổ nhiệm này có sự đồng thuận của các cổ đông, đã báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước, cơ quan chức năng và công bố thông tin với Uỷ ban Chứng khoán thì ông Minh Quốc lại khẳng định mình vẫn là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank.
Ông cũng khẳng định phiên họp ngày 22/3 của nhóm 5 thành viên Hội đồng quản trị Eximbank bổ nhiệm bà Tú là không có giá trị pháp lý. "Những nghị quyết của nhóm thành viên HĐQT Eximbank ban hành tại phiên họp này không có hiệu lực pháp luật", ông Minh Quốc chia sẻ trên VTC News.
Eximbank làm ăn ra sao trước cuộc chuyển đổi lãnh đạo cao cấp?
Ông Lê Minh Quốc (sinh năm 1951 tại Tp.HCM) là cử nhân quản trị kinh doanh Đại học Lausanne - Thụy Sĩ. Ông Quốc từng nắm giữ nhiều vị trí quản lý các ngân hàng trong nước và nước ngoài.
Ngày 16/12/2015, ông Minh Quốc được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại đại hội cổ đông bất thường của ngân hàng này với tỷ lệ trúng cử chỉ đạt 58,11%, khá thấp so với các thành viên còn lại.
Trong hơn 3 năm nắm quyền điều hành ngân hàng, hoạt động kinh doanh của Eximbank cũng có nhiều biến động so với thời điểm trước đó ông Minh Quốc chưa nắm quyền lãnh đạo.
Đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối năm 2015 đã bầu chọn ông Lê Minh Quốc vào vị trí Chủ tịch Eximbank.
Theo báo cáo tài chính của ngân hàng này, năm 2016, Eximbank đạt 390 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 6 lần năm 2015. Tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 128.000 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt hơn 86.000 tỷ đồng, tăng 2,5%. Tiền gửi của khách hàng đạt 102.000 tỷ đồng, tăng gần 4%, nợ xấu ghi nhận là 2.558 tỷ đồng, chiếm 2,94% tổng dư nợ (cao hơn mức 1,85% của đầu năm).
Sang đến năm 2017, hoạt động kinh doanh của ngân hàng này tiếp tục ghi nhận những nỗ lực phát triển.
Theo đó, tổng tài sản của Eximbank ghi nhận khi kết thúc năm 2017 là 149.000 tỷ đồng, tăng 16% so với thời điểm đầu năm.
Huy động vốn tăng 15,6%, đạt 117.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 17% so với năm 2016, đạt 101.300 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2017, nợ ngắn hạn của Eximbank đạt gần 47.000 tỷ đồng, tăng 37% so với đầu năm.
Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.118 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần năm 2016 và đạt 169% kế hoạch năm. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ năm 2012, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế vượt ngưỡng nghìn tỷ.
Có được những thành tựu này không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà bởi các hoạt động khác cũng như ngân hàng mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng như bán cổ phần tại Ngân hàng Sacombank.
Sang năm 2018 là một năm kinh doanh không mấy khả quan của Eximbank khi ngân hàng này liên tiếp xảy ra 2 vụ "bốc hơi" hàng trăm tỷ đồng trong tài khoảng của khách hàng.
Kết quả là, cả năm 2018, Eximbank báo lãi trước thuế chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2017, hoàn thành gần 51,7% chỉ tiêu đề ra.
Trong năm này, 2 mảng đem lại tăng trưởng cao nhất là thu nhập lãi thuần tăng 20,2% đạt 3.207 tỷ đồng; thu nhập góp vốn mua cổ phần tăng gần 5 lần đạt 519 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thoái vốn khỏi Sacombank.
Lãi từ hoạt động dịch vụ chỉ tăng nhẹ 4,7% đạt 347 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 18,1% đạt 269 tỷ. Hoạt động mua bán chứng khoán lỗ 116 tỷ; lãi từ hoạt động khác giảm 48% chỉ còn đạt 226 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động cả năm của Eximbank là 2.901 tỷ đồng, tăng 31,5%. Chi phí dự phòng rủi ro tăng 19,7% lên 723 tỷ đồng. Cuối năm 2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 152.709 tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm.
3 năm qua, Eximbank mới chỉ xử lý được 1.900 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC. Kết thúc năm 2018, lượng nợ xấu tại VAMC vẫn còn tới 3.351 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ cho vay.
Cập nhật thông tin của ngân hàng này từ đầu năm 2019 đến nay có thể thấy.
Huy động vốn từ tổ chức và cư dân tăng 3,2% so đầu năm; lợi nhuận trước thuế đạt 327 tỷ đồng. Lượng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước trên 18.000 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa của ngân hàng tăng gần 24% so với cuối năm 2018.
Như vậy, dưới thời ông Lê Minh Quốc nắm quyền, Eximbank đã có nhiều nỗ lực cải biến, thay đổi tình hình kinh doanh, tuy nhiên, kết quả không có mấy khởi sắc.
Và ở thời điểm hiện tại, mặc dù theo thông báo của Eximbank, ông Minh Quốc không còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị, tuy nhiên, trên website chính thức của ngân hàng này, cơ cấu thành viên lãnh đạo của Eximbank, ông Minh Quốc vẫn đảm nhận chức vụ cao nhất ngân hàng.