Không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân
Chiều 11/10, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức họp báo trao đổi về việc thay đổi giá bán lẻ điện năm 2024. Theo đó, giá bán điện bình quân tăng từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT).
Báo chí đặt câu hỏi về việc cơ sở nào tăng giá điện lần này và việc tăng giá điện ảnh hưởng như thế nào đến đời sống nhân dân khi cơn bão số 3 vừa qua đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống và nền kinh tế?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tháng 11/2023, giá điện đã được tăng và đến thời điểm bây giờ mới tăng đợt tiếp theo. Việc tăng giá điện tuân thủ đúng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư 09 hướng dẫn chi tiết Quyết định 05.
"Việc tăng giá điện từ 2.006,79 đồng lên 2.103,1159 đồng 1kWh (chưa gồm thuế VAT), tương ứng 4,8% đã được Chính phủ cân đối hài hòa, không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, an sinh xã hội và phát triển của đất nước", ông Nam cho hay.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp báo công bố chính thức điều chỉnh tăng giá điện
Đại diện EVN nhận định việc tăng giá điện lần này không ảnh hưởng nhiều đến hộ nghèo bởi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 28 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách là 59.500 đồng/hộ/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới thì mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là khoảng 62.500 đồng/hộ/tháng.
Chính sách này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội, giúp đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn.
Người dân phải chi thêm bao nhiêu tiền?
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN cho hay, với nhóm khách hàng sinh hoạt, tỉ lệ sử dụng điện sinh hoạt hiện nay được phân chia theo các bậc thang tiêu thụ, từ thấp đến cao.
Trong đó, các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh (chiếm 11,51% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 4.350 đồng/hộ/tháng.
Với nhóm khách hàng sử dụng từ 51 kWh - 100 kWh (chiếm 15,53% số hộ sinh hoạt), mức tiền điện tăng khoảng 8.850 đồng/hộ/tháng.
Với nhóm khách hàng sử dụng từ 101 kWh - 200 kWh (chiếm 34,31% số hộ sinh hoạt, đang là nhóm khách hàng lớn nhất), mức tăng tiền điện khoảng 19.250 đồng/hộ/tháng.
Với nhóm khách hàng sử dụng điện từ 201 kWh - 300 kWh (chiếm 18,5% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 32.350 đồng/hộ/tháng.
Với khách hàng sử dụng điện từ 301- 400 kWh (chiếm khoảng 8,87% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 47.050 đồng/hộ/tháng.
Với khách hàng sử dụng điện từ 400 kWh trở lên (chiếm khoảng 11,28% khách hàng sử dụng điện), mức tăng tiền điện khoảng 62.150 đồng/hộ/tháng.
EVN cho rằng, việc tăng giá điện lên 2.103,11 đồng/kWh, tương ứng 4,8% không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân
Theo ông Dũng, tổng số khách hàng sinh hoạt sử dụng điện từ 200kWh/tháng trở xuống là 17,41 triệu hộ, tương ứng với 61,35% tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Theo tính toán, tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ từ 200 kWh/tháng trở xuống là 13.800 đồng/hộ.
"Như vậy, mức tác động đến khách hàng sinh hoạt phổ biến (tiêu thụ dưới 200 kWh/tháng) ở mức vừa phải, trong khi các nhóm khách hàng có mức tiêu thụ điện cao hơn sẽ chịu mức tăng đáng kể hơn", ông Dũng cho hay.