Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, trước khi muốn tăng giá, cơ quan chức năng phải làm rõ nhiều vấn đề của ngành điện, tìm điểm nghẽn để tháo gỡ chứ không phải cứ thua lỗ là xin tăng giá điện.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nói: “ Việc EVN báo lỗ có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân khách quan như EVN đã giải trình, tuy nhiên theo tôi cũng có nguyên nhân chủ quan nằm ở sự quản trị kinh doanh, tính toán của doanh nghiệp. Cần rà soát, nghiên cứu cẩn trọng nguyên nhân tại sao EVN sản xuất kinh doanh lại thua lỗ trong thời gian dài như thế. Từ đó mới thấy được điểm nghẽn để tháo gỡ, chứ không phải cứ hễ thua lỗ lại tăng giá điện, vô tình phần thiệt thòi lại đổ về người dân ”.
Theo bà Nga, " tăng giá điện chỉ là một giải pháp chứ không phải tất cả ", EVN phải đổi mới cách quản trị và kinh doanh để tiết kiệm tối đa nguyên liệu đầu vào, kinh doanh làm ăn hiệu quả. Trước khi EVN tính toán đến chuyện tăng giá điện, tập đoàn này cần xem lại cơ cấu tính giá điện như thế nào cho hợp lý nhất để người dân, doanh nghiệp và cả EVN không phải chịu thiệt.
Không phải cứ hễ thua lỗ lại tăng giá điện, vô tình phần thiệt thòi lại đổ về người dân
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Bà Nga cũng nhận xét việc tăng giá điện 3% mới đây tác động chưa quá lớn đến cuộc sống người dân. Tuy nhiên, sự bất cập hiện nay là thang bậc tính giá điện chưa phù hợp với điều kiện thực tại.
“Có những ngành nghề sản xuất mà yêu cầu điện sản xuất kinh doanh khác với giá điện sinh hoạt, mà giá điện sinh hoạt hiện nay cũng chưa hợp lý lắm, rồi có những ngành nghề cần được ưu đãi về giá điện hiện nay lại phải chịu giá điện rất cao hay cũng có ngành nghề không nằm trong khu vực ưu đãi nữa nhưng lại được ưu đãi”, đại biểu Nga nêu vấn đề.
Giá điện vừa tăng 3% đầu tháng 5/2023, EVN đã tiếp tục đề xuất tăng giá điện vào tháng 9/2023. (Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn).
Về vấn đề chưa hoà mạng được nguồn năng lượng tái tạo vào mạng lưới điện quốc gia, đại biểu Nga cho biết đã nghe EVN giải trình nhiều lần và cũng nghe người dân kêu nhiều về việc mất tiền đầu tư hệ thống điện mặt trời, được EVN cam kết sẽ mua hết nhưng đến nay chỉ mua nhỏ giọt, trong khi thực tế chúng ta đang đứng trước nguy cơ thiếu điện rất lớn, đặc biệt vào mùa hè, khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
“Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, không thể dựa trên sự phỏng đoán, mà cần có sự giám sát, khảo sát kỹ lưỡng. Hiện giữa trả lời của EVN và phản ánh của người dân chưa được gặp nhau, tôi cho rằng cần làm minh bạch vấn đề này để giải đáp ý kiến của người dân, doanh nghiệp và cũng là để EVN giải trình một cách rõ ràng, rành mạch hơn” , bà Nga đề xuất.
Người dân không liên quan đến EVN thua lỗ
Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nói: " Người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao ".
Ông Vân cũng chỉ rõ nguyên nhân về tình trạng "bội thực" năng lượng tái tạo hiện nay. Theo ông, việc sản xuất điện cần phải song hành với việc cải thiện hạ tầng truyền tải nhưng vừa qua hai việc này lại thực hiện không đồng bộ.
“ Lúc thì đồng ý cho bổ sung hàng loạt dự án năng lượng tái tạo nhưng khi sản xuất ra, năng lực truyền tải có hạn dẫn đến có điện mà không tiêu thụ được. Cùng với đó, cơ sở pháp lý của các dự án cũng chưa minh bạch gây khó khăn khi hòa mạng ”, ông Vân nói và cho rằng nếu khắc phục được những vấn đề này từ trước thì sẽ không thiếu điện và không phải tăng giá điện.
Người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao
Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)
Đại biểu Vân cũng cho rằng cần phải xem xét lại chi phí hệ thống vận hành đường truyền tải điện, chi phí cho sản xuất điện của EVN khi nhiều người vẫn lo ngại chi phí này quá lớn do bộ máy hoạt động cồng kềnh, mà điều này lại tính hết vào giá thành.
“Có một giai đoạn, dư luận còn đặt vấn đề EVN lấy tiền tích lũy để đầu tư vào bất động sản, khu nghỉ dưỡng dẫn đến thua lỗ, rồi tính hết vào giá điện, tôi không rõ đến nay, việc điều tra vấn đề này thực hiện đến đâu mà chưa thấy công khai”, ông Vân băn khoăn.
Theo đại biểu Lê Thanh Vân, EVN là một doanh nghiệp Nhà nước với vai trò chủ đạo sản xuất, cung ứng điện nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần thanh tra, kiểm tra vai trò của EVN để trả lời cho Quốc hội biết việc quản lý, quản trị của doanh nghiệp này như thế nào, tại sao năm nào cũng thua lỗ, lỗ đến hàng chục nghìn tỷ xong lại tính hết vào giá điện khiến người dân phải gánh chịu.
Ông cho rằng, lộ trình xã hội hoá ngành điện hiện nay còn chậm, càng để độc quyền, sự lộng hành về giá là không tránh khỏi.
“Cần sớm triển khai lộ trình đó để các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất, truyền tải điện. Nhà nước chỉ nên độc quyền về phân phối, tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh mới đảm bảo được chiến lược về an ninh năng lượng quốc gia”, ông Vân nhìn nhận.
Đại biểu Lê Thanh Vân trả lời phỏng vấn VTC News bên hành lang Quốc hội về đề xuất tiếp tục tăng giá điện của EVN.
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, rà soát chi tiêu, đời sống của lãnh đạo ngành điện trong bối cảnh thua lỗ như vậy…Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết, cử tri rất băn khoăn về việc điều chỉnh giá điện.
"Trong các báo cáo, EVN đều khẳng định về tình hình sản xuất, kinh doanh điện liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng năm 2022 của EVN thì trong báo cáo chưa thấy làm rõ nguyên nhân và giải pháp cụ thể", đại biểu nói.
Đáng nói, cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao trong năm 2022. Điển hình, 2 doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Phát điện 2 đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 lần lượt là 2.550 tỉ đồng và 3.668 tỉ đồng.
“Tôi cho rằng cần phải làm rõ nguyên nhân khoản lỗ này do đâu? Nếu nói rằng do giá đầu vào tăng cao, gồm nhiên liệu, lãi vay hay bị lỗ tỷ giá thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này. Tại sao ra kết quả khác nhau, đây có phải là vấn đề về năng lực quản lý không?”, đại biểu Yên đặt câu hỏi.
EVN đề xuất tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023
Trong báo cáo trình Chính phủ, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023 vì cho rằng mức tăng giá điện 3% từ đầu tháng 5/2023 chưa cân đối được chi phí..
Cụ thể, EVN kiến nghị sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng để cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách kịp thời theo các thông số đầu vào cơ bản trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện trong giai đoạn 2023-2025. Đồng thời, cho phép EVN tiếp tục được điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 1/9/2023 để bù đắp phần chi phí tăng thêm do các chi phí đầu vào tăng cao theo qui định, đảm bảo cân bằng tài chính cho EVN.