Tung hoành Á châu
Cái tên Dương Sắc Thái không xa lạ gì với những người hâm mộ bóng đá miền Nam trước năm 1975. Bởi cùng với ông Nguyễn Quốc Bảo, ông Dương Sắc Thái là hai thủ môn nổi tiếng bậc nhất của bóng đá miền nam Việt Nam những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970.
Cũng giống nhiều đồng đội thập niên 60 của thế kỷ trước như Bùi Thái Huệ, Lâm Hồng Châu, Dương Văn Thà, Trần Tiết Anh… Dương Sắc Thái thành danh từ bóng đá học đường.
Ông bắt đầu chơi chuyên nghiệp từ năm 1965 cho CLB Ngân hàng Việt Nam thương tín trước khi gia nhập Công Nhân Hóa Chất rồi "bị ép" tới đội Tổng tham mưu.
HLV Karl-Heinz Weigang là người phát hiện và tin dùng thủ môn Dương Sắc Thái.
Năm 1966 là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông Thái. Thời điểm đó, đội tuyển bóng đá miền Nam bổ nhiệm Karl-Heinz Weigang làm HLV trưởng. Weigang là nhà cầm quân tin dùng cầu thủ trẻ và Dương Sắc Thái, khi đó 19 tuổi, nhờ khả năng phản xạ nhanh, phán đoán tình huống tốt, ra vào hợp lý được chiến lược gia người Đức triệu tập vào ĐT.
Kể từ thời điểm đó, cùng với đội tuyển miền Nam, tung hoành khắp sân cỏ khu vực và châu Á với các giải như SEA Games, Kings Cup, Merdeka, Marah Halim, Pesta Sukan, vòng loại World Cup, Olympic, Trung khu Á Châu… và đạt được nhiều danh hiệu.
Tuyệt chiêu của "Lưỡng thủ vạn năng"
Nhưng với ông Thái, Phạm Văn Rạng - huyền thoại mà báo chí nước ngoài suy tôn là "số 1 Á châu" mới là người thầy đầu tiên và có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của ông.
Ông Thái tâm sự: "Tôi theo học anh Sáu Rạng (biệt danh Phạm Văn Rạng). Anh Sáu Rạng tận tình chỉ bảo cho tôi từng kỹ thuật nhỏ nhất. Nhất là kỹ năng bắt banh ngửa. Sáu Rạng dạy tôi di chuyển về phía trước rồi bất ngờ liệng người ra phía sau chụp banh. Đó là tuyệt chiêu của Sáu Rạng".
Ở rất nhiều diễn đàn bóng đá Việt Nam trên internet, người hâm mộ, có lẽ là những người lớn tuổi vẫn nhắc về một giải đấu giao hữu quốc tế tại Sài Gòn diễn ra vào tháng 11/1974.
Tại giải đấu này, 2 thủ môn Nguyễn Quốc Bảo và Dương Sắc Thái lần lượt thay nhau lăn xả bảo vệ khung thành trong trận thắng Thái Lan 3-2 ở bán kết. Còn trong trận chung kết với Indonesia, những tuyệt chiêu từ "lưỡng thủ vạn năng" được ông Thái sử dụng đã không cho các chân sút Indonesia một cơ hội nào, giúp Việt Nam thắng 2-0.
"Lưỡng thủ vạn năng" Phạm Văn Rạng với pha bắt bóng ngửa sở trường.
Nhưng bản thân ông Thái thì nhớ nhất trận chung kết của giải đấu quốc tế diễn ra ở Sài Gòn tháng 11/1971. Nhớ vì để cùng đồng đội nâng cao danh hiệu vô địch, ông đã phải trả một cái giá bằng… cả hàm răng.
Ông Thái nhớ lại: "Đó là trận chung kết với Malaysia. Toàn bộ hàm răng của tôi gãy hết. Tiền đạo Malyasia qua hết hậu vệ, xâm nhập vòng 16m50, tôi vẫn lao tới chụp banh trong tình huống anh ta đang lợi banh và chuẩn bị tung ra cú dứt điểm. Kết quả là anh ta đá hụt banh, còn miệng tôi thì lĩnh trọn cả cú đá".
Năm 1975, ông Thái giải nghệ, làm công tác huấn luyện ở các CLB Cao su Giải phóng và Cao su Tiến bộ thuộc Liên hiệp Cao su thành phố. Nhưng do nền bóng đá thời kỳ đó còn nhiều khó khăn, ông Thái bỏ nghề huấn luyện, bắt đầu lăn lộn với đủ nghề mưu sinh.
EURO của ông lão chạy xe ôm
EURO 2016 có sức hút rất mãnh liệt. Là một cựu tuyển thủ quốc gia, ông Thái lại càng mê những trận cầu đỉnh cao của sân cỏ châu Âu đang dần đi đến hồi kết trên đất Pháp. Ông Thái nói: "Mỗi đội đều có sự thay đổi tới không ngờ sau từng trận đấu. Giải EURO năm nay rất khó đoán".
Nhưng ông Thái không có nhiều thời gian theo dõi giải vô địch châu Âu. "Người gác đền" nổi tiếng một thời của bóng đá Việt Nam chỉ có thể tranh thủ xem một vài trận EURO diễn ra sớm, vào lúc 20 giờ.
Bởi công việc mưu sinh cũng như chăm sóc người vợ già yếu, bệnh tật vì tai biến không cho phép ông tận hưởng những đường bóng trên sân cỏ nước Pháp.
Hiện tại, ông Thái đang cùng vợ già yếu sống trong căn nhà đi thuê chỉ hơn chục mét vuông trên đường Châu Văn Liêm, quận 5, TP.HCM.
Cả hai vợ chồng ông Thái đều không có lương hưu. Cuộc sống của hai ông bà càng trở nên khó khăn khi vợ ông đổ bệnh. Để trang trải cho cuộc sống, ông Thái nhận chở hóa chất hợp đồng cho một công ty hóa chất ở TP.HCM.
Công việc hằng ngày của ông Thái bắt đầu từ 6 giờ sáng, chở những thùng hóa chất đi giao khắp nơi trên thành phố, thậm chí là những tỉnh khác như Đồng Nai và Bình Dương. Ông Thái tâm sự: "Dù là đang ăn cơm, khi ông sếp gọi là mình phải đi, kẻo mất uy tín, mất việc".
Cựu danh thủ Dương Sắc Thái chăm sóc người vợ đau yếu.
Trước khi đi, ông Thái nấu sẵn cơm sáng và trưa cho người vợ ốm yếu. Nhiều hôm bận rộn phải đi sớm, ông Thái chỉ có thể mua sẵn cho vợ hai ổ bánh mỳ để ăn sáng và trưa.
Nhưng ngoài việc chở hợp đồng cho công ty hóa chất, ông Thái còn tranh thủ thời gian rảnh hoặc buổi tối chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Ông Thái nói: "Cuộc sống vất vả nhưng tôi vẫn phải lạc quan. Tôi chỉ ước mong sao bà ấy khỏi bệnh, chứ bệnh tật hoài thế này cực lắm".
Mỗi khi nói về bóng đá, nói về thời hoàng kim của bóng đá Việt Nam trong qua khứ, cái thời mà bóng đá Việt Nam là "ông kẹ" với Thái Lan, Indonesia, Malaysia và "chẳng ngán gì Nhật Bản, Hàn Quốc", ông Thái thường hay nhắc tới đàn anh.
Phạm Văn Rạng là "lưỡng thủ vạn năng", là "số 1 Á châu" như thừa nhận của truyền thông quốc tế. Nhưng vào những năm tháng cuối đời, Sáu Rạng từng phải làm bảo vệ, sống cuộc đời cơ cực, nghèo khó cho tới khi nhắm mắt suôi tay năm 2008.
Hoàn cảnh của ông Thái hiện nay cũng chẳng khác mấy so với người đàn anh Sáu Rạng mà ông tôn kính. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, cuộc sống mưu sinh vẫn đè nặng lên đôi vai của ông…