Sau kỳ EURO đầu tiên tổ chức vào năm 1960 , những quốc gia từng hoài nghi và tẩy chay giải đấu dần suy nghĩ lại. Từ 17 quốc gia tham dự vào 4 năm trước, tới năm 1964 đã có 29/33 quốc gia thành viên UEFA đăng ký.
Giống như kỳ đầu tiên, thể thức vẫn bắt đầu bằng 3 vòng loại trực tiếp với hai lượt trận sân nhà - sân khách. Rất nhiều bất ngờ đã diễn ra, từ việc Anh thua kinh hoàng 3-6 trước Pháp, rồi Pháp với huyền thoại Raymond Kopa bị loại bởi Hungary, hay Luxembourg bé nhỏ quật ngã Hà Lan, bên cạnh đó là trận cầu kinh điển giữa Liên Xô và Italia, với thắng lợi chung cuộc thuộc về các nhà đương kim vô địch EURO. Cuối cùng, Liên Xô, Hungary, Đan Mạch và Tây Ban Nha là 4 đội lọt vào vòng chung kết được tổ chức tại xứ sở đấu bò.
Tại vòng loại EURO 1960, Tướng Franco, lãnh đạo tối cao Tây Ban Nha từ năm 1939 đến 1975, đã yêu cầu ĐTQG rút khỏi giải đấu khi phải đối đầu Liên Xô ở tứ kết. Ông e ngại viễn cảnh những người Liên Xô hát quốc ca của họ trong trận lượt về trên đất Tây Ban Nha. Tuy nhiên lần này, nhằm tìm kiếm vị thế thông qua thể thao, Tướng Franco đồng ý để Tây Ban Nha đăng cai giải đấu, đồng nghĩa với việc sẽ chấp nhận điều ông từng lo ngại.
Và nó xảy ra thật, sau khi Tây Ban Nha vượt qua Hungary 2-1 còn Liên Xô dễ dàng giành chiến thắng 3-0 trước Đan Mạch. Và một trận đấu mang biểu tượng về sự đối đầu chính trị diễn ra ở Bernabeu, nơi có 80 ngàn người chứng kiến. Có điều tương tự như trận chung kết tại Parc des Princes 4 năm trước, sau những ngày nắng như đổ lửa, cơn mưa lớn bất ngờ ập xuống Bernabeu khiến mặt sân trở nên trơn trượt. Chỉ khác là nếu như ở Pháp, Liên Xô đối phó với điều đó khá ổn và trở thành nhà vô địch, thì tại Tây Ban Nha, chủ nhà mới là những đội chơi tốt hơn.
Trận chung kết vừa bắt đầu được 6 phút, Chus Pereda đã mở tỷ số cho Tây Ban Nha. Người hùng Euro 1960 của Liên Xô, Valentin Ivanov khống chế hụt sau quả tạt của Luis Suarez , tạo cơ hội để Pereda băng vào sút tung lưới thủ môn Lev Yashin .
Thế nhưng chỉ 2 phút sau, từ một đường chuyền dài đơn giản, Khusainov của Liên Xô thoát xuống và ghi bàn trong phản ứng chậm chạp của thủ môn Jose Angel Iribar, người dường như đang kinh ngạc với việc tại sao đối thủ lại dễ dàng có bóng ở khu vực đó.
Thời gian trôi qua, vì ngày ấy chưa có luật thay người, cầu thủ hai đội dần trở nên mệt mỏi. Khi Luis Suarez gần như kiệt sức, Pereda chuyển sang cánh phải để tạt bóng thay đồng đội. Quả tạt phút 84 của anh đã được trung vệ Marcelino biến thành bàn thắng quyết định, với cú đánh đầu dũng mãnh làm Yashin chôn chân.
Có một chi tiết khá thú vị xoay quanh bàn thắng này. Số là công nghệ truyền hình thập niên 1960 vẫn còn sơ khai, và khi phát sóng, cảnh quay Pereda tạt bóng bị mất. Trong nhiều năm, hầu hết đều cho rằng Amancio Amaro là người kiến tạo để Marcelino lập công. Phải đến ba mươi năm sau, thước phim bị mất mới được phát hiện, và Pereda được thừa nhận rộng rãi là tác giả đường chuyền biến Tây Ban Nha thành nhà vô địch châu Âu.
Nhiều người sẽ thắc mắc, làm thế nào người ta có thể nhầm lẫn tai hại đến vậy? Thật ra điều này khá dễ hiểu nếu biết rằng công chúng Tây Ban Nha không đánh giá cao chiến thắng năm 1964. Nói chính xác, như Juan Castro, nhà báo thể thao của tờ Marca bình luận, “nó quan trọng vào thời điểm đó nhưng không được lưu trong ký ức”.
Một phần lý do đến từ việc giải đấu mang nặng màu sắc chính trị, và bầu không khí nghẹt thở những thập niên sau đó tại Tây Ban Nha khiến chức vô địch bị lu mờ. Marcelino, cầu thủ ghi bàn đêm chung kết từng than thở, “giá như chúng tôi sống trong thời đại này”, và “chức vô địch EURO 2008 được coi trọng vì tất cả được sống tự do”.
Ngày nay, nói đến Euro 1964, người Tây Ban Nha thậm chí còn không nhớ nổi tên HLV Jose Villalonga dù ông có công lớn trong việc tạo nên một tập thể mạnh, chiếm giữ không gian tốt và thành thạo hoán đổi vị trí. Phần lớn chỉ nhớ tới Luis Suarez, người di chuyển khắp mặt sân và tung ra những đường chuyền thiên tài.
Thế nhưng chính cầu thủ Tây Ban Nha duy nhất từng giành Quả bóng Vàng (năm 1960) lại nói trước khi qua đời năm 2023, rằng “chúng tôi lên ngôi bởi tính tập thể, tinh thần đoàn kết và tình đồng đội”. Không phải lúc nào Tây Ban Nha cũng làm được điều đó. Sau năm 1964, phải đợi đến 44 năm sau người Tây Ban Nha mới lại được ăn mừng chức vô địch EURO (2008) thêm lần nữa, khi cố HLV Luis Aragones tái tạo những phẩm chất tương tự.
EURO 1964
Chủ nhà: Tây Ban Nha
Vô địch: Tây Ban Nha
Á quân: Liên Xô (cũ)
Vua phá lưới: Ferenc Bene, Dezso Novak (Hungary), Chus Pereda (Tây Ban Nha) - 2 bàn
Số đội tham dự: 4
Số trận thi đấu: 4
Bàn thắng: 13 (3,25 bàn/trận)