Đã rõ số phận chiếc Il-22M
Tờ EurAsian Times ngày 21/1 cho hay, theo thông tin mới nhất mà tờ này ghi nhận được, phi công chỉ huy trên chiếc máy bay Ilyushin Il-22M của Nga bị Ukraine bắn trên biển Azov đã thiệt mạng ngay trong vụ tấn công. Phi công phụ đã tìm cách hạ cánh chiếc máy bay trong tình trạng hư hỏng nặng.
Chiếc Il-22M sống sót sau cuộc tấn công của Ukraine nhưng đã hư hỏng tới mức không thể sửa chữa được nữa. Mẫu máy bay này vốn được mệnh danh là "trung tâm chỉ huy trên không" của Nga.
Trước đó, Tư lệnh quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyi thông báo đã bắn hạ 1 máy bay cảnh báo sớm đường không A-50 và 1 máy bay chỉ huy trên không Il-22M của Nga ở khu vực biển Azov vào ngày 14/1.
Các báo cáo mà EurAsian Times có được cho biết, chiếc Il-22M số hiệu 75106 đã trúng đạn khi đang thực hiện nhiệm vụ ở khu vực Strilkove, phía tây biển Azov. Bất chấp thiệt hại nặng nề, các phi công vẫn kịp phát đi thông điệp cấp cứu và nhanh chóng tìm đường tới sân bay Anapa của Nga, nằm trên bờ biển phía đông bắc Biển Đen.
"Khẩn cấp yêu cầu xe cứu thương và đội cứu hỏa" – Phi hành đoàn trên chiếc Il-22M nói trong đoạn ghi âm được hãng thông tấn RBC (Nga) chia sẻ.
EurAsian Times dẫn thông tin từ kênh Telegram Krymsky Veter (Crimean Wind - một kênh truyền thông ở Crimea) cho hay, Viktor Klimov - sĩ quan chỉ huy trên chiếc Il-22M - đã thiệt mạng trong cuộc tấn công. Trong khi đó, viên phi công phụ cũng bị thương nhưng đã hạ cánh được chiếc máy bay găm đầy mảnh đạn.
"Vào ngày 14/1/2024, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ, phi công thử nghiệm cấp cao của đơn vị quân đội 27237 - Thiếu tá Viktor Ivanovich Klimov – đã hy sinh một cách anh hùng" – Krymsky Veter cho hay.
Tờ New Vocie of Ukraine dẫn thông tin từ kênh Telegram của Fighterbomber - được cho là do Đại úy Ilya Tumanov của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga điều hành - xác nhận chiếc Il-22M đã hạ cánh khẩn cấp thành công, nhưng không đề cập tới số phận của phi công.
Theo EurAsian Times, Il-22M và A-50 AWACS là một trong những phương tiện quân sự đắt giá, cũng như có giá trị nhất trong phi đoàn chỉ huy và cảnh báo đường không của Nga.
Do đó, với việc chiếc A-50 rơi ở biển Azov, trong khi chiếc Il-22M không thể tiếp tục bay được nữa thì ngày 14/1/2024 đã trở thành ngày tồi tệ nhất đối với lực lượng Không quân Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine.
Mặc dù Nga có thể chuyển đổi và nâng cấp khung của mẫu Il-22 lỗi thời thành Il-22M, nhưng việc này sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc (có thể lên tới hàng trăm triệu USD).
Cuộc phục kích của Ukraine
Theo những thông tin từ EurAsian Times có được, Kiev đã thiết lập một cái bẫy cực kỳ tinh vi để bắn rơi các máy bay của Nga.
Sự kiện tiền đề cho vụ bắn hạ máy bay vào ngày 14/1 đã diễn ra ngay từ ngày 13/1, khi các tiêm kích của Không quân Ukraine - có thể là các máy bay ném bom Sukhoi Su-24 - oanh tạc dữ dội vào các trạm radar của Không quân Nga tại bán đảo Crimea, làm hỏng nhiều radar.
Phía Nga đã chỉ thị cho một chiếc A-50U xuất kích. Do chiếc máy bay này không được trang bị đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ lúc đó nên máy bay chỉ huy đường không Il-22M đã được triển khai cùng để hỗ trợ.
Ngoài ra, vì tầm phát hiện của A-50U khá hạn chế, nó buộc phải đến sát tuyến tiền tuyến (khoảng cách chỉ từ 80-90 km) để có thể phát hiện kịp thời máy bay và tên lửa đến từ phía Ukraine.
Mấu chốt nằm ở đây: Việc Ukraine tấn công vào các hệ thống phòng không của Nga trên bán đảo Crimea vào ngày 13/1 đã khiến Nga buộc phải đưa ra những phản ứng mà phía Ukraine có thể dự báo trước: một ngày sau, vào ngày 14/1, họ đã "đẩy" chiếc A-50U ra sát tuyến tiền tuyến hơn.
Hoạt động bay này đã tạo điều kiện cho Ukraine triển khai kế hoạch đặt bẫy không quân Nga.
Ngày 14/1, phi công của một chiếc Su-34 Nga báo cáo rằng họ đã bắt được tín hiệu radar đến từ tổ hợp tên lửa S-300 của Ukraine - một hệ thống mà trước đó dường như không được triển khai tại khu vực này.
Ukraine đã kích hoạt hệ thống S-300 nhằm để lộ vị trí của nó cho các máy bay chiến đấu Nga. Radar S-300 đã xác định được các mục tiêu phù hợp, đồng thời cung cấp "hướng và khoảng cách" của những mục tiêu này cho hệ thống tên lửa Patriot PAC-2/3.
Hệ thống Patriot chỉ bật radar trong vài giây, "đủ lâu để thu thập dữ liệu về mục tiêu, nhưng quá ngắn để phía Nga có thể phát hiện ra tín hiệu và đánh giá nó như một mối đe dọa một cách đáng tin cậy".
Sau đó, phía Ukraine đã phóng tên lửa. Ngay sau khi tên lửa trúng mục tiêu, các tổ đội điều khiển S-300 và PAC2/3 của Ukraine đã ngưng phát tín hiệu và nhanh chóng dỡ bỏ hệ thống của mình để thoát khỏi các đòn trả đũa từ phía Nga.
Ngày 16/1, người phát ngôn của Không quân Ukraine, Đại tá Yurii Ihnat đã đăng tải hình ảnh về máy bay chỉ huy trên không Il-22M của Nga trên tài khoản Facebook của mình, đồng thời cho biết chiếc máy bay này đã bay trở lại Anapa, nhưng bị hư hại nghiêm trọng và không thể tái phục hồi.
Phân tích bức ảnh được công bố, các chuyên gia quân sự đánh giá, chiếc máy bay chưa bị phá hủy, nhưng cánh và hệ thống vận hành của máy bay có thể đã bị hư hỏng. Nhiều khả năng phần đuôi máy bay bị trúng mảnh vỡ của tên lửa phòng không.