EU sẽ bảo vệ Nord Stream 2 khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ?

Thanh Bình |

Hãng tin RIA viết, người Mỹ đang đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2), nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn kiên quyết bác bỏ.

Theo đó, sau một loạt tuyên bố của các quan chức Đức và châu Âu về việc vi phạm chủ quyền và sự “táo bạo” chưa từng có của Washington thông các biện pháp trừng phạt thì giờ đây châu Âu đang dần chuyển từ lời nói sang hành động.

Các mối đe dọa của Mỹ

Hoa Kỳ vẫn cố ngăn chặn Nga hoàn thành đường ống dẫn dầu ở Biển Baltic. Các biện pháp mới đã được thông qua tại Quốc hội. “Hãy từ bỏ dự án ngay bây giờ”, Ngoại trưởng Mike Pompeo khuyên các nhà thầu tham gia dự án. Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ ảnh hưởng đến “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream). Và các công ty không “không tuân thủ sẽ phải đối mặt với những rắc rối nghiêm trọng”.

Theo khuôn khổ Đạo luật Chống lại đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA), Washington có thể đóng băng tài sản ở Mỹ của những bên tham gia “Dòng chảy phương Bắc 2”.

Vào cuối tháng 6, Hiệp hội doanh nghiệp Đông Đức (OAOEV) kêu gọi thực thi các biện pháp trả đũa liên quan đến các kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường các lệnh trừng phạt chống dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” đưa khí đốt từ Nga sang Đức.

OAOEV là tổ chức đại diện sáng kiến khu vực chính của nền kinh tế Đức cho 29 quốc gia ở Trung Âu, Đông và Đông Nam Âu, ở Nam Kavkaz và Trung Á.

Giám đốc OAOEV, ông Michael Harms lưu ý rằng điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích của Washington ở châu Âu. “Các tuyên bố ngoại giao cứng rắn hoặc bồi thường cho các công ty Đức là có thể. Chúng tôi có quyền tự bảo vệ mình”, ông Harms nói.

Vào cuối tháng 7, Thượng viện Hoa Kỳ đã gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với các công ty bảo hiểm liên quan đến dự án.

Và vào đầu tháng 8, các thượng nghị sĩ đã gửi một lá thư cho nhà điều hành cảng Sassnitz của Đức, thúc giục họ ngừng làm việc trên đường ống dẫn khí đốt. Nếu không, người Mỹ đe dọa cảng Sassnitz sẽ phải đối mặt với “sự sụp đổ tài chính”.

“Căng thẳng gia tăng”

Nghị sĩ Vladimir Gutenev, phó chủ tịch thứ nhất ủy ban chính sách kinh tế Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga lưu ý rằng Liên minh châu Âu từ lâu đã phải tạo ra một cơ chế để chống lại các lệnh trừng phạt ngoài lãnh thổ của các nước thứ ba. Theo nghị sĩ, các quan chức châu Âu đã trì hoãn quyết định này do lo ngại cho sự nghiệp của chính họ.

Mỹ phản đối dự án này khi tìm cách ép châu Âu mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LGN) của mình. Tuy nhiên, Đức và Áo chọn “Dòng chảy phương Bắc 2” bởi họ quan tâm đến nguồn cung cấp nhiên liệu đáng tin cậy. Cho đến nay, mọi thứ chỉ giới hạn trong các tuyên bố, nhưng rất có thể Liên minh châu Âu sẽ hiểu các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Hoa Kỳ theo cơ chế phản công và có nhiều lựa chọn.

“Châu Âu có thể áp đặt lệnh cấm vận đối với các sản phẩm của Mỹ, cùng loại LNG, hoặc thuế đối với ô tô, điều này sẽ gây tổn hại cho ngành công nghiệp ô tô của Mỹ vốn đang trải qua một cuộc suy thoái mạnh. Hoặc lệnh cấm nhập khẩu nông sản, chẳng hạn như ngô”, nhà báo Nga và chuyên gia công nghiệp Leonid Khazanov cho biết.

Theo các nhà phân tích, các lệnh trừng phạt sẽ được công bố trước cuộc bầu cử Mỹ, thậm chí có thể trong hai tuần tới, nếu ông Trump, Quốc hội và Thượng viện tiếp tục gây sức ép chính trị lên châu Âu.

EU từ chối công nhận các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nord Stream 2

Mới đây, bà Kadri Simson, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng cho biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với “Dòng chảy phương Bắc 2” là vi phạm luật pháp quốc tế.

Bà Simson khẳng định Liên minh châu Âu không công nhận các biện pháp trừng phạt mà các nước thứ ba thực hiện đối với các công ty châu Âu và chính châu Âu tự quyết định chính sách năng lượng của mình.

EU sẽ bảo vệ Nord Stream 2 khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ? - Ảnh 2.

Hiệp hội doanh nghiệp Đức kêu gọi cần có biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt bổ sung của Mỹ chống “Dòng chảy Phương Bắc 2”. (Ảnh: RIA)

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm 11/8 cảnh báo Mỹ không được can thiệp vào việc hoàn tất dự án tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2”, đồng thời khẳng định châu Âu có quyền lựa chọn nguồn năng lượng cho riêng mình.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại Moscow với đồng cấp người Nga Sergei Lavrov, ông Maas cho rằng cấm vận nhằm vào đối tác là cách làm sai, mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn hoàn tất tuyến đường ống này đều là vi phạm chủ quyền quốc gia của Đức.

“Suy cho cùng, đó vẫn là quyết định về chủ quyền liên quan đến việc chúng tôi nhập nguồn năng lượng từ đâu. Không một nước nào có quyền định đoạt chính sách năng lượng của châu Âu bằng đòn đe dọa. Điều đó sẽ không thành công”, ông Maas nói.

Hôm 10/8, ông Maas cũng bày tỏ sự “không hài lòng” với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau khi các nghị sĩ quốc hội Mỹ đe dọa áp đặt các lệnh cấm vận pháp lý và kinh tế nhằm vào một công ty của Đức có liên quan đến “Dòng chảy phương Bắc 2”.

“Dòng chảy phương Bắc 2” trị giá 11 tỉ USD, một nửa do Tập đoàn Gazprom của Nga tài trợ và nửa còn lại chia đều cho 5 công ty châu Âu (OMV, Wintershall Dea, Engie, Uniper và Shell), dự kiến tăng gấp đôi lượng khí đốt tự nhiên được vận chuyển từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức.

Dự án liên quan đến việc xây dựng hai tuyến đường ống dẫn khí đốt có tổng công suất 55 tỉ mét khối khí mỗi năm. Đường ống sẽ đi qua lãnh hải hoặc các vùng đặc quyền kinh tế của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại