EU nhất thể hóa quân đội: Khi cần độc lập về an ninh với Mỹ

Trần Khánh |

Việc 23 quốc gia thành viên đạt thỏa thuận nhất thể hóa quân đội được cho là tạo tiền đề để EU độc lập với Mỹ về an ninh.

Theo Washington Post, thỏa thuận nhất thể hóa quân đội EU được cho là nhằm tăng cường sức mạnh quân sự nội khối cũng như thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời khỏi EU và Mỹ cũng đang gây sức ép buộc EU phải chi tiền nhiều hơn để tự bảo vệ bản thân.

Thỏa thuận lịch sử kể từ Thế chiến 2

Trong khi những người ủng hộ thỏa thuận nhất thể hóa quân đội EU khẳng định, đây là thỏa thuận mang tính lịch sử trong nội bộ khối kể từ Thế chiến 2 và sẽ mở đường cho việc hợp tác quân sự trong nhiều năm tới thì những người hoài nghi cho rằng, thỏa thuận này sẽ không thể thành công. Lý do họ đưa rất đơn giản: Đã có quá nhiều sáng kiến tương tự bị sụp đổ trong quá khứ.

Đáp lại, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách về An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố: “Những gì chúng ta có thể làm cùng nhau, chúng ta có thể làm tốt hơn khi thực hiện một mình. Thỏa thuận nhất thể hóa quân đội EU là một thành tựu mang tính lịch sử”.

Sáng kiến về một EU nhất thể hóa quân đội, do bà Mogherini khởi xướng, còn được biết đến với tên gọi Hợp tác Cấu trúc Thường trực Quốc phòng (PESCO), được kỳ vọng sẽ tạo ra một EU “có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn” trong các vấn đề an ninh.

Việc Anh chuẩn bị rời khỏi EU được cho là đã “mở toang cánh cửa” để thực thi PESCO bởi từ trước đến nay, London luôn tìm cách cản trở thỏa thuận này với lý do PESCO có phần trùng lặp với NATO.

Tuy nhiên, PESCO được cho là sẽ tạo ra những quy định pháp lý mang tính ràng buộc nhiều hơn so với NATO khi yêu cầu mỗi thành viên EU phải tăng chi tiêu quốc phòng ở một mức cụ thể, sẵn sàng hợp tác với nhau để cùng phát triển hoặc mua sắm các trang thiết bị quân sự khác và thậm chí có thể thành lập những nhóm nhỏ hơn để cùng triển khai binh sĩ tham gia chiến đấu hoặc can thiệp quân sự nếu thấy cần thiết.

PESCO có dẫm chân lên NATO?

Từ nhiều năm qua, lãnh đạo EU thường xuyên bị lãnh đạo Mỹ và NATO chỉ trích vì cách tiếp cận mang nặng tính cục bộ trong vấn đề quốc phòng. Theo đó, giới chức EU luôn tìm cách dựa nhiều vào Mỹ trong việc bảo vệ an ninh nội khối và chỉ phát triển vũ khí quân sự nếu điều này đem lại lợi ích về chính trị cho họ thay vì lợi ích quốc gia và toàn khối.

Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, giới chức EU đã buộc phải chấp nhận rằng, “giai đoạn dựa dẫm vào Mỹ” đã chấm dứt. Không chỉ từ chối tiếp tục duy trì việc đảm bảo an ninh cho EU như trước đây, Tổng thống Mỹ còn liên tục tuyên bố đòi các nhà lãnh đạo châu Âu “phải tăng chi tiêu quốc phòng” để tự phòng vệ.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố: “Điều quan trọng nhất với chúng ta hiện nay là EU cần phải đứng một cách độc lập, đặc biệt là kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Sẽ chẳng có ai giúp chúng ta giải quyết những vấn đề an ninh nữa. Chúng ta sẽ phải tự làm thôi”.

Một trong những thách thức lớn nhất đối với EU khi nhất thể hóa quân đội là phải giảm được việc chi tiêu quốc phòng thiếu hiệu quả trong từng quốc gia thành viên thông qua việc khuyến khích đầu tư xuyên quốc gia. Ngoài ra, các quốc gia EU thông qua thỏa thuận này cũng sẽ phải đáp ứng được yêu cầu tăng cường năng lực chung của quân đội EU.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mục tiêu của thỏa thuận nhất thể hóa quân đội EU không khác mấy so với những gì mà NATO đang hướng tới. Điều này đặt ra câu hỏi về việc những nước là thành viên của cả NATO và PESCO sẽ phải làm như thế trong trường hợp các mục tiêu của NATO và PESCO đi ngược lại với nhau.

Dù vậy, các quan chức NATO lại công khai ủng hộ PESCO và tuyên bố, họ sẽ hỗ trợ cho bất kỳ kế hoạch nào nhằm tăng cường năng lực quốc phòng cho EU. Bà Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Rome, Italy, nhận định: “NATO thực sự muốn tăng cường năng lực phòng thủ của EU và xét trên tương quan địa-chính trị, để làm được điều này, các nước EU phải xích lại gần hơn với nhau. PESCO có thể là yếu tố thay đổi cục diện an ninh tại châu Âu và đặt nền móng cho một kế hoạch lâu dài hơn trong cách EU tiếp cận với các vấn đề quốc phòng”.

Cần thời gian để kiểm chứng

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, phải mất khá nhiều thời gian mới có thể kiểm chứng được hiệu quả của PESCO. Ông Tomas Valasek, Giám đốc Viện Nghiên cứu Carnegie châu Âu nhận định: “Những thách thức sẽ chỉ tới trong dài hạn. Các quyết định vừa được đưa ra sẽ không khiến các quốc gia thay đổi cách tiếp cận của mình trong ngày một ngày hai”.

Điều này xuất phát từ việc, bản thân PESCO đã là một “cuộc chiến dai dẳng” giữa Pháp và Đức về mục tiêu cần hướng tới. Trong khi Pháp muốn thiết lập một khối dành riêng cho các quốc gia EU có khả năng đóng góp quân đội và trang thiết bị quân sự cho các chiến dịch chiến đấu ở cách xa châu Âu thì Đức lại ủng hộ một cách tiếp cận chung về quốc phòng cho toàn khối.

Cuối cùng, Đức đã giành được thắng lợi áp đảo trước Pháp khi chỉ có 5 quốc gia thành viên EU hiện nay là Anh, Ireland, Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Malta “ngả” về phía Pháp. Dù vậy, phải chờ đến tháng 12, tương lai của PESCO mới rõ ràng sau khi các nhà lãnh đạo EU bỏ phiếu lần cuối thông qua sáng kiến này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại