Theo tờ South China Morning Post (SCMP), khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng xanh, cuộc đua giành quyền kiểm soát việc khai thác và tinh chế các khoáng sản quan trọng như coban, lithium và than chì đang diễn ra.
Dẫn đầu cuộc đua hiện tại là Trung Quốc - nước kiểm soát phần lớn thị trường, nhưng vị trí này đang nhanh chóng bị phương Tây thách thức.
Mỹ, châu Âu cạnh tranh Trung Quốc
Tại Diễn đàn Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway Forum) diễn ra vào tháng trước tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, họ có ý định thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong việc khai thác và chế biến khoáng sản cung cấp năng lượng cho thiết bị điện tử và xe điện.
Trong những tháng gần đây, Mỹ cũng đã công bố nhiều kế hoạch khác nhau nhằm đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản từ châu Phi giàu tài nguyên.
Theo SCMP, tại khu vực Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo (CHDC Congo) cung cấp hơn 70% lượng coban của thế giới, và hầu như chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngay phía nam CHDC Congo, Trung Quốc cũng đã đầu tư rộng rãi vào Zambia - nơi có một trong những mỏ đồng có chất lượng cao nhất thế giới. Và bây giờ cả hai nước đều đang được EU và Mỹ săn đón.
Bên lề Diễn đàn Cửa ngõ Toàn cầu, EU đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với CHDC Congo và Zambia để phát triển chuỗi giá trị nguyên liệu thô quan trọng mang tính chiến lược. Thỏa thuận tương tự đã được ký với Mỹ vào năm ngoái.
Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu của EU - được coi là nhằm cạnh tranh với sáng kiến hạ tầng Vành đai, Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc - có kế hoạch huy động 300 tỷ euro (tương đương 318 tỷ USD) trong 5 năm để tài trợ cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Tại Diễn đàn Cửa ngõ Toàn cầu diễn ra trong hai ngày ngày 25-26/10, Mỹ và EU cũng nhất trí giúp Angola, CHDC Congo và Zambia phát triển "Hành lang Lobito" - tuyến giao thông kết nối miền nam CHDC Congo và tây bắc Zambia với các thị trường thương mại khu vực và toàn cầu thông qua thành phố cảng Lobito của Angola.
Châu Phi trở thành thị trường quan trọng
Theo SCMP, một trong những đoạn chính của "Hành lang Lobito" là tuyến đường sắt Benguela của Angola, tuyến đường dài 1.344km nối cảng Lobito với thành phố biên giới Luau phía đông Angola với CHDC Congo.
Tuyến đường sắt này là tuyến vận chuyển khoáng sản chính trước khi nó bị đóng cửa trong cuộc nội chiến Angola 1975-2002.
Sau chiến tranh, Angola đã xây dựng lại tuyến đường sắt bằng cách sử dụng hạn mức tín dụng hỗ trợ bằng dầu mỏ trị giá 1,8 tỷ USD từ ngân hàng China Eximbank. Việc xây dựng do Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc đảm nhiệm và đã hoàn thành vào năm 2014.
Nhưng ở bên kia biên giới tại CHDC Congo, đường ray ở trong tình trạng tồi tệ và Zambia không có tuyến đường sắt nối với hành lang này. Thỏa thuận với EU và Mỹ bao gồm việc xây dựng tuyến đường sắt Zambia-Lobito.
Các công ty Trung Quốc cũng đang nâng cấp cơ sở hạ tầng để có thể vận chuyển khoáng sản tới cảng một cách dễ dàng. Vào tháng 3, các công ty con của Jiayou International Logistics và Zijin Mining Group đã công bố khoản đầu tư chung trị giá 363 triệu USD để cải thiện đường sá và cơ sở hạ tầng giữa CHDC Congo và Lobito.
Trong khi đó EU và Mỹ tiếp tục đàm phán về hành lang giao thông.
Sau lễ ký kết MOU tại Brussels vào ngày 26/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: "Hành lang vận tải Lobito cũng sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi nhằm thúc đẩy thương mại khu vực và toàn cầu".
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Tuyến đường sắt mới, nối tây bắc Zambia với Đường sắt Đại Tây Dương Lobito và Cảng Lobito, đại diện cho cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng nhất mà Mỹ từng giúp phát triển trên lục địa Châu Phi".
Tại Diễn đàn Cửa ngõ Toàn cầu, EU cũng đã ký một thỏa thuận khác, lần này là với Namibia về chuỗi giá trị nguyên liệu thô và hydro tái tạo, được hỗ trợ bởi khoản đầu tư 1 tỷ euro.
EU cũng sẽ hỗ trợ nghiên cứu phát triển cảng tại Vịnh Walvis - nằm dọc theo bờ biển Namibia - thành trung tâm công nghiệp và hậu cần cho khu vực.
Châu Phi cũng là thị trường được Trung Quốc chú trọng. Tại Diễn đàn Vành đai, Con đường tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ đầu tư vào giai đoạn hai của mỏ đồng và coban Kamoa ở CHDC Congo và dự án mỏ kali Kururi ở Eritrea, vì muối kali đã trở thành nguyên liệu giá trị gia tăng quan trọng cho pin kim loại lithium.
Cạnh tranh để tạo dựng chuỗi cung ứng mới
Christian-Geraud Neema - nhà phân tích chính sách và khai thác mỏ người Congo - cho biết, Mỹ và EU đang nỗ lực xây dựng và phát triển các chuỗi và tuyến cung ứng mới để phục vụ thị trường của họ.
Neema nói về thương vụ "Hành lang Lobito" rằng: "Mục tiêu sẽ là tạo ra một chuỗi cung ứng có ít dấu ấn hoặc ảnh hưởng của Trung Quốc hơn". Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, hành lang đó sẽ chỉ có ý nghĩa nếu trước tiên họ tìm được các nhà cung cấp coban và đồng ở CHDC Congo và Zambia.
Vì CHDC Congo đang tinh chế đồng, hiện được EU và Mỹ liệt kê là khoáng sản quan trọng, nên "Hành lang Lobito" sẽ rất hữu ích để vận chuyển trực tiếp đến châu Âu.
Tính hữu ích đó sẽ tăng lên đáng kể nếu CHDC Congo phát triển một ngành công nghiệp chế biến coban lớn mạnh, vì châu Âu không có năng lực này.
Do đó, theo chuyên gia Neema, nguồn tài trợ cho hành lang này có thể được coi là một cách tiếp cận toàn cầu từ EU và Mỹ để tạo ra và phát triển chuỗi cung ứng thay thế của riêng họ để đưa các khoáng sản quan trọng ra khỏi châu Phi.
Gyude Moore - một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington và là cựu bộ trưởng ở Liberia - cho biết, sự thống trị của Trung Quốc trong cả lĩnh vực khai thác mỏ và vận chuyển khoáng sản trong khu vực có nghĩa là phương Tây đang "chơi trò đuổi bắt", vì vậy "Hành lang Lobito" mang lại lợi ích đáng kể cho phương Tây.
"Về cơ bản, đây là cuộc đua dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 và nền kinh tế mới mà nó sẽ tạo ra. Việc tiếp cận các khoáng sản này sẽ quyết định thắng thua, và trong bối cảnh này, nó không chỉ đơn thuần là đối trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường", nhà nghiên cứu Moore nói.
Poorva Karkare - quan chức chính sách về Hội nhập Kinh tế Châu Phi tại Trung tâm Quản lý Chính sách Phát triển Châu Âu (ECDPM) - cho biết, sự phụ thuộc của EU vào Trung Quốc về các linh kiện đầu vào như tấm năng lượng mặt trời hoặc pin càng làm nổi bật thêm điểm yếu của châu Âu trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
"Để tránh sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cho dù do những cú sốc bên ngoài như chúng ta đã thấy trong đại dịch Covid-19 hay quá trình vũ khí hóa sự phụ thuộc của EU như chúng ta đã biết trong trường hợp của Nga, EU đang tích cực đầu tư vào các nước thứ ba, bao gồm cả ở châu Phi, để đảm bảo khả năng tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng", bà Karkare nói.
Carlos Lopes - giáo sư tại Trường Quản trị công Nelson Mandela của Đại học Cape Town (Nam Phi) - cho biết, việc Trung Quốc tiếp cận sớm và toàn diện vào châu Phi đã giúp nước này không chỉ đảm bảo được các khoáng sản quan trọng mà còn thiết lập ảnh hưởng thông qua các hiệp định thương mại, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng.
"Hành lang Lobito có thể đóng một vai trò then chốt trong việc cung cấp tuyến đường vận chuyển khoáng sản trực tiếp hơn từ CHDC Congo đến bờ biển Angola, giảm sự phụ thuộc vào những tuyến đường được coi là do Trung Quốc kiểm soát", giáo sư Lopes nói.
Hữu Hiển