Đó là nhận định của hãng tin Bloomberg hôm 26-9. Các quan chức ở Kiev cho hay họ cần nhiều hệ thống phóng tên lửa và xe tăng hơn để đáp lại việc chính quyền Nga huy động khoảng 300.000 quân dự bị nhằm tăng cường lực lượng ở Ukraine.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao giấu tên ở châu Âu cho rằng việc EU có ý định gửi thêm lô hàng vũ khí đáng kể nào tới Kiev hay phá vỡ bất kỳ nguyên tắc nào về các loại vũ khí được gửi đi là "không có khả năng".
Quan chức này lý giải nguyên nhân là Mỹ đang thận trọng nhằm tránh việc kích động xung đột trực tiếp với Nga và kho dự trữ vũ khí chủ chốt của EU đang cạn kiệt.
Những chiếc xe tăng Leopard. Ảnh: Reuters
4 quan chức nói với Bloomberg rằng họ không thấy có dấu hiệu nào cho thấy các chính phủ châu Âu sẵn sàng cung cấp lô hàng vũ khí mới cho Ukraine.
Họ đề cập đến những chiếc xe tăng Leopard do Đức sản xuất là "tâm điểm của sự tranh cãi". Số xe tăng này được một số thành viên NATO, bao gồm Tây Ban Nha, Hà Lan, Na Uy và Hy Lạp sử dụng nhưng các quốc gia này phải được Berlin cho phép mới có thể cung cấp chúng cho Kiev.
Theo một nguồn thạo tin, chưa có quốc gia nào trong số đó gửi yêu cầu như vậy lên chính quyền Đức. Một quan chức cho biết tại Ý, tình trạng thiếu ngân sách đã hạ cấp vấn đề Ukraine trong danh sách các ưu tiên của chính phủ Ý, cụ thể nguồn cung vũ khí giảm dần kể từ tháng 7.
Theo Bloomberg, Mỹ đã chi 15,1 tỉ USD mua vũ khí cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra từ cuối tháng 2 trong khi Đức hỗ trợ số vũ khí trị giá 734 triệu euro (khoảng 711 triệu USD). Moscow từ lâu đã chỉ trích việc chuyển giao vũ khí của phương Tây khi cho rằng chúng chỉ kéo dài xung đột và làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Trong tuyên bố huy động một phần lực lượng quân sự, Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga đã phải đối mặt với "toàn bộ bộ máy quân sự của phương Tây" ở Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov cũng cảnh báo rằng trên thực tế, Mỹ đang đứng trước bờ vực trở thành một bên trong cuộc xung đột do sự hỗ trợ to lớn dành cho Kiev.