Xung đột Syria đã trở thành chủ đề thảo luận của các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu (Trung Quốc). Mỹ và Nga đã không đạt được thỏa thuận hợp tác mới nào về hồ sơ Syria.
Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ cho biết Washington đã chỉ trích Moscow tìm cớ thoái lui về một số chi tiết trong đàm phán. Tổng thống Nga Putin tuyên bố khẳng định khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết bằng các giải pháp chính trị.
Ngoài chủ đề Syria, các nhà lãnh đạo các nước G20 cũng đã bàn đến vấn đề khủng hoảng người di cư.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã kêu gọi các cường quốc không thuộc châu Âu nên đảm nhận một phần trách nhiệm tiếp nhận người di cư. Ông cảnh báo khả năng tiếp nhận người di cư của các nước EU đã gần tới hạn.
Trong khi đó, Tổng thống Obama đã hứa với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra trước pháp luật những kẻ có trách nhiệm trong vụ đảo chính không thành công ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15.7.
Vụ đảo chính này là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến quan hệ lạnh giá giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara chỉ trích Washington không chịu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Thổ Nhĩ Kỳ chụp mũ đứng sau vụ đảo chính.
Trong cuộc hội đàm với tân Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Obama đã bày tỏ quan ngại về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Anh sẽ trở nên xấu đi sau khi Anh rời khỏi EU.
Trong khi đó, đài truyền hình RT (Nga) ghi nhận ngày 4.9 là một ngày bận rộn của Tổng thống Putin. Bên lề hội nghị, ông Putin đã tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo.
Trong cuộc hội đàm với thái tử dự bị Mohammed ben Salmane của Ả Rập Saudi, Tổng thống Putin đã kêu gọi tăng cường hợp tác giữa hai nước, nhất là sản xuất dầu hỏa.
Ông đã thảo luận với người đồng cấp Pháp François Hollande về chuyến thăm chính thức nước Pháp sắp tới dự kiến vào tháng 10.
Nhân dịp này, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết ông mong muốn tìm kiếm ở Nga một lối ra chính trị cho hòa bình Syria đồng thời bảo đảm Pháp và Nga cùng chia sẻ một mục tiêu chung là đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.
Cuối ngày 4.9, Tổng thống Putin đã hội đàm với Thủ tướng Anh Theresa May. Đây là dấu hiệu hâm nóng dần quan hệ giữa hai nước. Quan hệ song phương đã không mấy nồng ấm từ vài năm nay do Anh kiên quyết ủng hộ các biện pháp cấm vận đối với Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu khai mạc đã xảy ra sự cố ngoại giao nhỏ. Trong khi Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hay Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye được Trung Quốc đón tiếp một cách trọng thị, nghi thức đón Tổng thống Obama lại diễn ra hết sức đơn sơ tại một góc biệt lập của sân bay Hàng Châu.
Ngay sau khi Tổng thống Obama vừa bước xuống chuyên cơ, một quan chức Trung Quốc còn cố ngăn các nhà báo và những người của phái đoàn Mỹ đến gần ông Obama.