Tổng thống Nga Vladimir Putin
Phân tích cho thấy, các công ty châu Âu tiếp tục đổ hàng tỷ USD vào những công ty khai thác kim loại có liên hệ với Điện Kremlin.
Nguyên liệu thô - "điểm mù" trong trừng phạt của EU đối với Nga
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng 11 gói trừng phạt, nhắm vào các nguyên liệu thô của Nga bao gồm dầu, than, thép và gỗ.
Tuy nhiên, các loại khoáng sản mà EU coi là nguyên liệu thô quan trọng - tổng cộng có 34 loại - vẫn đang tự do chảy từ Nga sang châu Âu với số lượng lớn, cung cấp nguồn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt ở Nga.
Trong khi một số đồng minh phương Tây nhắm mục tiêu vào lĩnh vực khai thác mỏ của Nga, EU vẫn tiếp tục nhập khẩu các loại nguyên liệu này.
Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Châu Âu Eurostat và Trung tâm nghiên cứu chung của EU cho thấy từ tháng 3/2022 đến tháng 7 năm nay, châu Âu đã nhập khẩu từ Nga lượng nguyên liệu thô quan trọng trị giá 13,7 tỷ euro.
Riêng đối với kim loại quan trọng là niken, Trung tâm Chính sách Châu Âu ước tính có tới 90% một số loại niken được sử dụng ở châu Âu có nguồn gốc từ các nhà cung cấp của Nga.
EU đang khao khát có được những nguyên liệu thô quan trọng để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Những nguyên liệu này rất cần thiết đối với việc sản xuất các thiết bị điện tử, tấm pin mặt trời và ô tô điện, cũng như đối với các ngành công nghiệp truyền thống như hàng không vũ trụ và quốc phòng.
Tuy nhiên, tất cả các loại nguyên liệu này đều có nguồn cung khan hiếm.
Ảnh: Investigate Europe
Lỗ hổng hiện rõ
Việc nhập khẩu của châu Âu không chỉ có lợi cho kinh tế Nga mà còn mang lợi cho các nhà tài phiệt và các công ty được Điện Kremlin hậu thuẫn. Mặc dù EU đã nhắm tới một số cổ đông, nhưng những các doanh nghiệp khai thác mỏ của Nga không gặp hạn chế nào.
Lỗ hổng thậm chí đã hiện rõ hơn khi Mỹ và Anh đã trừng phạt một số công ty này.
Phân tích dữ liệu hải quan Nga cho thấy nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới Vsmpo-Avisma đã bán lượng titan trị giá ít nhất 308 triệu USD vào EU thông qua các chi nhánh ở Đức và Anh trong khoảng thời gian tháng 2/2022 - 7/2023. Một phần của công ty này thuộc sở hữu của tập đoàn quốc phòng Nga Rostec.
Cả Vsmpo-Avisma và Rostec đều có chung chủ tịch là ông Sergei Chemezov - một nhân vật được đánh giá là thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Chemezov và tập đoàn Rostec đều đang chịu lệnh trừng phạt của EU. Brussels chưa áp lệnh trừng phạt trực tiếp lên Vsmpo-Avisma, nhưng Mỹ đã cấm xuất khẩu cho công ty này vào ngày 27/9.
Ông Sergei Chemezov. Ảnh: kremlin.ru
Rất nhiều đơn hàng lớn
Trong số các khách hàng châu Âu lớn nhất của Vsmpo-Avisma có Airbus, gã khổng lồ hàng không vũ trụ thuộc sở hữu của các quốc gia Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Từ tháng 2/2022 đến tháng 3/2023, Airbus đã nhập lượng titan trị giá ít nhất 22,8 triệu USD từ Nga. Con số này tăng gấp 4 lần so với 13 tháng trước.
Nornickel, công ty dẫn đầu thế giới về kim loại quý paladi và niken, đã xuất khẩu niken và đồng trị giá 7,6 tỷ USD sang EU thông qua các công ty con của Phần Lan và Thụy Sĩ từ tháng 2/2022 đến tháng 7/2023. Công ty cũng vận chuyển lượng paladi, bạch kim và các loại kim loại khác với giá trị 3 tỷ USD vào Thụy Sĩ.
Vào năm 2022, gần 50% doanh số bán hàng của Nornickel là đến từ châu Âu. EU không trừng phạt tập đoàn này cũng như chủ tịch và cổ đông lớn nhất của nó, ông Vladimir Potanin.
Công ty nhôm khổng lồ Rusal cũng sử dụng các thiên đường thuế để đưa khoáng sản sang châu Âu. Vào tháng 8/2023, Rusal cho biết châu Âu vẫn chiếm 1/3 doanh thu của họ.
Đại diện cấp cao của Liên minh Chính sách đối ngoại và an ninh dự kiến sẽ đề xuất gói trừng phạt thứ 12 đối với Nga trong những tuần tới. Châu Âu hy vọng gói này sẽ gây áp lực mới lên nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, tờ Investigate Europe nhận định, những hạn chế đối với các nguyên liệu thô quan trọng dường như không được cân nhắc trong gói trừng phạt mới.