Theo CNN, EU cam kết sẽ giữ "lập trường chung" để ứng phó với thách thức toàn cầu.
Bộ trưởng Y tế các nước Áo, Croatia, Pháp, Đức, Italy, Thụy Sĩ và San Marino ngày 25/2 (giờ địa phương) đã nhóm họp tại thủ đô Rome, Italy. Trong thông cáo chung, các bộ trưởng châu Âu cho rằng việc đóng biên giới là "giải pháp không hiệu quả và không tương xứng trong thời điểm này".
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza hoan nghênh kết quả cuộc họp là "rất tích cực". Nỗi lo của chính quyền và người dân Italy ngày càng gia tăng khi tổng số người nhiễm Covid-19 tại nước này tăng lên 322 ca, và 11 người đã tử vong, tính đến thời điểm hết ngày 25/2.
"Chúng tôi đã nhất trí duy trì các đường biên giới mở," ông Speranza nói.
Khoảng hơn 10 thị trấn ở khu vực Lombardia và Veneto, miền Bắc Italy, đã bị cách ly, trong khi các nguồn cung ứng ở khu vực này đang dần thiếu thốn. Nhiều sự kiện công cộng bị hủy bỏ, trong khi người tiêu dùng hoang mang đã đổ đến "vét" sạch các quầy hàng trong siêu thị.
Trong khi bộ trưởng Speranza khẳng định các đường biên giới quốc tế của Italy tiếp tục mở cửa, dịch Covid-19 đã bắt đầu lây lan ra châu Âu.
Một khách sạn ở quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha đang trong tình trạng phong tỏa sau khi một người đàn ông cùng vợ mình bị xác định nhiễm virus corona. Tây Ban Nha tổng cộng đã xác nhận 7 ca lây nhiễm Covid-19 tính tới 25/2.
Cùng ngày 25, Thụy Sĩ và Áo - có chung đường biên giới ở phía Bắc Italy - cũng xác nhận những ca lây nhiễm đầu tiên.
Tại Pháp, 2 ca nhiễm mới được báo cáo trong ngày 25.
Tính đến nay, dịch Covid-19 có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã lây lan đến hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, với hơn 80.000 ca lây nhiễm và hơn 2.600 người tử vong - phần lớn ở Trung Quốc Đại lục.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi dịch bệnh này là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng". Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 24/2 cảnh báo các nước cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, trước khả năng dịch Covid-19 có nguy cơ trở thành một "đại dịch".