Châu Âu đang đối mặt với thời điểm căng thẳng vào giữa tháng 5 khi các nước thành viên EU sẽ phải từ chối yêu cầu của Moscow về việc thanh toán nhiên liệu bằng đồng rúp - mặc dù không có nguồn cung cấp khí đốt thay thế, Brussels cảnh báo.
Kadri Simson, ủy viên châu Âu về năng lượng, cho biết hôm 2/5 rằng các yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Điện Kremlin phải bị từ chối, bất chấp rủi ro về việc gián đoạn nguồn cung vào thời điểm mà việc thiếu hụt năng lượng ở EU không thể bù đắp trong thời gian ngắn.
Tuần trước, Gazprom đã dừng dòng khí đốt tới Ba Lan và Bulgaria, đồng thời nói nguồn cung cấp tới những nước khác cũng sẽ bị cắt nếu các nước không thanh toán nhiên liệu bằng đồng tiền của Nga.
Sau cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU, bà Simson nói rằng tất cả các bộ trưởng năng lượng đã đồng ý rằng việc thanh toán bằng đồng rúp thông qua cơ chế do Nga đề ra sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt do khối này áp đặt. Bà nói thêm rằng bà chưa nghe nói về bất kỳ công ty năng lượng châu Âu nào chuẩn bị tuân thủ đề nghị của Moscow.
Bà Simson cho biết: "Nhiều công ty năng lượng châu Âu sẽ thực hiện khoản thanh toán tiếp theo cho Gazprom vào giữa tháng 5 và đang cố gắng hiểu rõ hơn những gì họ nên làm và chúng tôi cần cho họ biết rõ rằng thanh toán bằng đồng rúp thông qua cơ chế chuyển đổi được quản lý bởi các cơ quan công quyền của Nga và một tài khoản chuyên dụng thứ hai tại ngân hàng Gazprom là vi phạm lệnh trừng phạt và không thể được chấp nhận".
Năm 2021, EU nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU và gần 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của khối này.
Trong năm ngoái, sự phụ thuộc này đã giảm bớt nhưng sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vẫn ở mức cao đến mức không có giải pháp thay thế nào có thể bù đắp hoàn toàn cho sự thiếu hụt ở EU.
Do đó, theo Guardian, ngày quan trọng tiếp theo đối với các khoản thanh toán khí đốt của các công ty năng lượng châu Âu là ngày 20/5.
Nguy cơ tiềm ẩn xảy ra khi EU xem xét ra lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu của Nga, một động thái mà Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, cho biết sẽ dẫn đến một tác động kinh tế lớn và gây giá cả cao hơn cho người tiêu dùng.
Ông Habeck cho biết Đức không phản đối lệnh cấm như vậy nhưng ông cảnh báo rằng người dân châu Âu cần chuẩn bị cho hậu quả và một số quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn những quốc gia khác.
Ông nói: "Chúng ta sẽ tự làm hại chính mình, điều đó đã quá rõ ràng. Không thể tưởng tượng được rằng các lệnh trừng phạt sẽ không gây ra hậu quả cho nền kinh tế của chúng ta và giá cả ở các quốc gia của EU".
"Chúng tôi, với tư cách là những người châu Âu, đã sẵn sàng chịu đựng [căng thẳng kinh tế] để giúp Ukraine. Nhưng không đời nào điều này lại không khiến chúng tôi phải trả giá."
Theo dự thảo vòng trừng phạt thứ 6 sẽ được các đại sứ EU thảo luận vào ngày 4/5, lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ được thực hiện vào cuối năm nay, mặc dù Hungary cho biết họ có thể chặn đề xuất này nếu các giải pháp thay thế không có hiệu quả.
Anna Moskwa, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường của Ba Lan, cho biết Warsaw, vốn đang đầu tư rất nhiều vào các cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng, sẽ sẵn sàng trợ giúp bất kỳ quốc gia EU nào cần các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Bà nói: "Chúng tôi sẽ kêu gọi các biện pháp trừng phạt ngay lập tức đối với dầu và khí đốt của Nga. Đây là bước tiếp theo, khẩn cấp và tuyệt đối. Chúng ta đã có than. Tiếp theo sẽ là dầu và khí đốt".