EU sẽ dùng khoản tiền 500 triệu euro để tiếp tục mua chung thiết bị và vật tư cho quân đội Ukraine. Ảnh: EPA-EFE
"Hôm nay, tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao EU, một thỏa thuận chính trị đã đạt được về đợt hỗ trợ quân sự thứ 5 cho Ukraine " - Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde cho biết trong một tuyên bố hôm 18-7.
Khoản tiền này EU tiếp tục dùng mua thiết bị và vật tư cho quân đội Ukraine, bao gồm cả vũ khí sát thương "được sử dụng cho mục đích phòng thủ", theo Reuters.
Các quy tắc của EU thường ngăn khối này sử dụng gói "ngân sách 7 năm" để tài trợ cho các hoạt động quân sự. Do đó, gói hỗ trợ mới nhất cho Ukraine được lấy từ gói tài chính "Quỹ Hòa bình Châu Âu" có giới hạn 5 tỉ euro. Đây thực chất là gói "ngoài ngân sách 7 năm" và có thể được sử dụng để cung cấp viện trợ quân sự.
EU đã thông qua đợt viện trợ đầu tiên cho Kiev ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hôm 24-2.
Tới thời điểm hiện tại khối đã viện trợ quân sự cho Ukraine số tiền lên đến 2,5 tỉ euro (2,5 tỉ USD), trong đó một nửa số tiền được lấy từ gói "ngân sách 7 năm".
Không rõ làm thế nào để EU có thể tiếp tục tài trợ cho việc mua và chuyển giao vũ khí, cũng như các thiết bị quân sự khác cho Ukraine, nếu cuộc xung đột Moscow - Kiev vẫn tiếp tục?, hãng Reuters đặt câu hỏi.
Nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell trong một cuộc họp báo mới đây nhận định xung đột Nga - Ukraine có khả năng vẫn tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh rằng EU sẽ luôn sát cánh với Ukraine, đồng thời mong đợi các quốc gia thành viên sẽ thông qua lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga vào cuối tuần này.
"Tôi chắc chắn (Tổng thống Nga Vladimir) Putin đang trông chờ vào sự mệt mỏi của các nền dân chủ... Ông ấy tin rằng các nền dân chủ đang suy yếu" - ông Josep Borrell nói.
Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis cũng kêu gọi người châu Âu tiếp tục hành động bởi Nga sẽ chưa dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo Reuters.
Liên quan đến xung đột ở Ukraine, các nước phương Tây đã tung ra loạt đòn kinh tế nhắm vào Nga, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ, cấm giao dịch với ngân hàng trung ương Nga và đóng băng tài sản của nước này, đồng thời dừng các khoản đầu tư mới vào Nga.
Đáp lại, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh phương Tây không thể cô lập Nga, nước Nga sẽ đứng vững và ngày càng mạnh mẽ hơn.