Theo phóng viên TTXVN tại EU, phát biểu họp báo tại Brussels (Bỉ), Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom cho biết quyết định này nhằm đảm bảo các bên đều tuân thủ các quy tắc trong hệ thống thương mại toàn cầu.
Bà Malmstrom chỉ trích việc Mỹ áp thuế nhôm và thép mới với EU đang "làm suy yếu hơn nữa" mối quan hệ hai bờ Đại Tây Dương, gây thiệt hại cho ngành nhôm, thép của châu Âu.
Quan chức này bác bỏ lập luận của Mỹ về việc đây là biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, cho rằng quyết định mới của Washington "thuần túy là chủ nghĩa bảo hộ" và đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Về việc khiếu nại Trung Quốc lên WTO, bà Malmstrong cho biết quyết định này liên quan tới các tranh cãi xung quanh vấn đề sở hữu trí tuệ.
Quan chức này khẳng định các phát minh và sáng kiến kỹ thuật là nền tảng của kinh tế châu Âu và EU sẽ kiên quyết hành động để bảo vệ lợi thế này.
Ngày 31/5, Mỹ tuyên bố chính thức áp mức thuế mới, 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu, nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico sau hai tháng tạm miễn.
Đến nay, Mỹ đã công bố miễn vĩnh viễn áp mức thuế mới cho các nước Australia, Argentina, Brazil và Hàn Quốc, nhưng mỗi trường hợp đều kèm theo hạn ngạch nhập khẩu.
Quyết định mới của Washington đưa ra đã ngay lập tức vấp phải cảnh báo đáp trả từ các đối tác liên quan. Giới chuyên gia lo ngại động thái của Washington sẽ đẩy cao nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các quốc gia đối tác.
Ngày 1/6, cựu Bộ trưởng Thương mại Anh Francis Maude đã chỉ trích quyết định của Mỹ áp thuế nhập khẩu 10% đối với mặt hàng nhôm và 25% đối với thép của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng quyết định này là "dại dột" và phản tác dụng.
Ông Maude cũng kêu gọi EU tránh "ăn miếng trả miếng" với Mỹ mà thay vào đó gắn chặt với tự do thương mại.
Phát biểu của ông Maude được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox cảnh báo khả năng tiến hành một cuộc chiến thương mại với Mỹ sau quyết định của Washington nhắm vào EU.
Ông Maude cũng cảnh báo những quốc gia đi theo con đường bảo hộ sản xuất rằng hậu quả nặng nề cuối cùng sẽ giáng vào chính nền kinh tế của nước đó bởi kết quả không thể tránh khỏi sau những quyết định tăng thuế nhập khẩu chính là giá hàng tiêu dùng cho người dân trong nước sẽ tăng cao.
Trong khi đó, hãng Volkswagen (VW) của Đức - nhà sản xuất ô tô hàng đầu châu Âu - cũng cảnh báo quyết định của chính phủ Mỹ có thể tạo ra cuộc chiến mà không có người thắng, đồng thời đánh giá quyết định này là "đáng tiếc và đáng quan ngại."
VW cho rằng từ động thái này của Washington nảy sinh chuỗi những biện pháp đáp trả tiêu cực và bất tận, theo đó VW kêu gọi Mỹ cùng EU đối thoại trong khuôn khổ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm Đức đã nhất trí với người đồng cấp nước chủ nhà Heiko Maas cùng bảo vệ tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương.
Phát biểu tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Maas cho rằng 2 nước đều là những quốc gia lớn trong lĩnh vực thương mại và là đối tác thương mại quan trọng của nhau, vì vậy việc hai nước cùng bảo vệ hệ thống thương mại tự do và chống lại chủ nghĩa bảo hộ là cần thiết, góp phần bảo vệ lợi ích chung.
Đức cũng đánh giá cao các biện pháp của Trung Quốc cắt giảm thuế và mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trao đổi thương mại với các nước trong đó có Đức./.