EU thông qua quyết sách lịch sử với Armenia
Hãng thông tấn Anadolu ngày 22/7 đưa tin, Hội đồng Liên minh châu Âu vừa phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 10 triệu euro (tương đương 10,8 triệu USD) cho lực lượng vũ trang Armenia, dựa theo Cơ chế Hòa binh châu Âu (EPF).
Động thái này đánh dấu "lần đầu tiên trong lịch sử, EU đồng ý phân bổ viện trợ quân sự từ EPF cho Armenia".
Theo tuyên bố của Hội đồng Liên minh châu Âu, gói hỗ trợ này nhằm tăng cường năng lực hậu cần của lực lượng vũ trang Armenia, và giúp họ tăng cường khả năng ứng phó trong các cuộc khủng hoảng, cũng như trường hợp khẩn cấp.
Đáng lưu ý, gói hỗ trợ của EU cũng sẽ giúp tăng tốc khả năng tương tác và phối hợp của lực lượng vũ trang Armenia trong trường hợp nước này tham gia vào các nhiệm vụ và hoạt động do EU triển khai.
Trước đó, các đại sứ EU đã phê duyệt kế hoạch khởi động đối thoại miễn thị thực với Armenia vào tuần trước.
"Chúng tôi hoan nghênh quyết định lịch sử của Hội đồng Liên minh châu Âu về việc cung cấp gói hỗ trợ cho Armenia theo cơ chế EPF và đồng ý khởi động Đối thoại miễn thị thực" – Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan nói.
Vốn có mối quan hệ đồng minh truyền thống với Nga nhưng Armenia đang hướng về phương Tây để tìm kiếm các mối quan hệ đối tác mới sau khi cáo buộc Moscow đã không làm gì để ngăn chặn cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan vào Nagorno-Karabakh (khu vực tranh chấp giữa Armenia-Azerbaijan) vào tháng 9/2023.
Nước này đồng thời đơn phương đình chỉ tư cách thành viên của mình trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, và yêu cầu lực lượng biên phòng Nga rút khỏi sân bay quốc tế ở thủ đô Yerevan.
Theo tờ Politico, mối quan hệ giữa Moscow và Armenia đã "rơi xuống mức thấp nhất lịch sử".
Quân Mỹ đổ bộ, Washington và Yerenvan
bước vào "giai đoạn lịch sử" trong quan hệ
Không lâu trước khi EU đưa ra quyết sách trên, Mỹ đã triển khai quân và khí tài tới Armenia tham gia cuộc tập trận quân sự Eagle Partner 24, diễn ra trong thời gian 15-24/7. Số lượng quân Mỹ tới Armenia không được công bố chi tiết, nhưng theo thông tin trên website chính thức của Lục quân Mỹ, quân số của cả 2 phía lên tới "hàng trăm binh sĩ".
Đài VOA (Mỹ) cho biết, thành phần quân đội Mỹ tham gia tập trận bao gồm các binh sĩ trực thuộc Lực lượng Lục quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, cũng như Lực lượng Vệ binh Quốc gia Kansas.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Uzra Zeya xác nhận rằng, trong thời gian tới, đại diện lực lượng vũ trang Mỹ sẽ tới làm việc tại Bộ Quốc phòng Armenia.
"Tôi xác nhận tin tức này" – cổng thông tin Hetq của Armenia dẫn lời bà Zeya nói – "Chúng tôi hoan nghênh sự hợp tác sâu rộng giữa Mỹ và Armenia trong lĩnh vực quốc phòng, dân sự và an ninh. Điều này cũng cho thấy một dấu mốc lịch sử, đó là Armenia đã bước vào giai đoạn mới trong quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ".
Trước đó, hồi tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo, Armenia "có thể sẽ tiến hành kế hoạch buộc lực lượng Nga rút khỏi lãnh thổ nước này, sau đó để lực lượng phương Tây triển khai tại các căn cứ mà Nga vốn đóng quân".
Bùng nổ mặt trận phía nam chống Nga
Bình luận về các động thái của Mỹ và EU, tờ Cumhuriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn lời các chuyên gia nhận định, Mỹ đang mở mặt trận phía nam chống Nga thông qua Armenia.
Giới phân tích Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Washington đã nhiều lần tìm cách mở mặt trận phía nam gần các vùng biên giới của Nga, tận dụng tình thế ở Gruzia (nơi vừa bùng phát bạo loạn vì Đảng cầm quyền thông qua "luật đặc vụ nước ngoài", bị cho là lấy cảm hứng từ Nga) nhưng không thành công.
"Giờ đây, Washington đang chơi 'quân bài' Armenia. Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan đã được mời tới Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington.
Tiếp đó là các câu hỏi nghi vấn về việc Mỹ cử đại diện quân sự tới Bộ Quốc phòng Armenia. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Uzra Zeya đã xác nhận thông tin này, đồng thời tuyên bố 'bắt đầu giai đoạn chiến lược mới' trong quan hệ Mỹ-Armenia" – Cumhuriyet viết.
Theo tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ, động thái của Mỹ nhằm hướng tới mục tiêu kép: Mở mặt trận phía nam chống Nga và chen vào "tam giác Astana" (Thổ Nhĩ Kỳ - Nga - Iran).
Nhận định này của tờ Cumhuriyet cũng phần nào tương đồng với phát ngôn của đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
Nga cảnh cáo nóng
Phản ứng trước cuộc tập trận của Mỹ-Armenia, bà Zakharova cảnh báo rằng, sự hiện diện của quân Mỹ ở Nam Caucasus "chỉ châm ngòi thêm cho tiềm năng xung đột vẫn còn âm ỉ trong khu vực".
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, cuộc tập trận giữa Mỹ-Armenia là "điều vừa đáng tiếc, vừa đáng báo động, đặc biệt là trong bối cảnh Yerevan đang đóng băng các hoạt động của mình ở CSTO và tiến hành các cuộc công kích công khai vào tổ chức này".
Theo bà Zakharova, mục đích chính của phương Tây là tạo bàn đạp để thực hiện các dự án địa chính trị trong khu vực.
"Để làm được điều đó, họ (phương Tây) cần loại bỏ tất cả các xu hướng hòa bình vốn đã đạt được động lực thúc đẩy, khiến các quốc gia trong khu vực xung đột một lần nữa" – Bà Zakharova nói, lưu ý rằng phương Tây "đang lôi kéo Armenia vào nhiều hình thức tương tác khác nhau ở Nam Caucasus và khu vực xung quanh nhằm chống lại Nga, Iran, thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ".
"Bằng cách lôi kéo Armenia vào các cuộc diễn tập và chương trình huấn luyện dưới sự bảo trợ của họ, phương Tây đang áp đặt các tiêu chuẩn của NATO lên lực lượng vũ trang Armenia.
Điều này dẫn tới việc Armenia phải định dạng lại toàn bộ hệ thống an ninh, và phương Tây có thêm đòn bẩy ảnh hưởng đối với chính sách đối nội và đối ngoại của nước này" - Bà Zakharova nói.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, Nga "luôn và vẫn luôn cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình với đồng minh, trong đó có việc đảm bảo an ninh cho Armenia".
"Nga đã cố gắng tìm ra giải pháp mà các bên có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, có một câu hỏi được đặt ra là: Armenia có cam kết thực hiện các nghĩa vụ của một đồng minh hay không?" – Bà Zakharova lưu ý.
Trong khi đó, tờ Izvestia (Nga) dẫn lời các chuyên gia cho rằng, việc EU tăng cường hợp tác quân sự với Armenia có thể nhằm hối thúc lãnh đạo Yerevan xem xét lại tình trạng căn cứ quân sự số 102 của Nga ở Gyumri và Yerevan (được thành lập năm 1995).
Tuy nhiên, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan có thể sẽ gặp khó khăn trong tiến trình này, bởi theo thỏa thuận ký kết giữa hai phía năm 2010, căn cứ 102 của Nga được phép hoạt động trên lãnh thổ Armenia tới năm 2044.