EU chia rẽ vì đề xuất giảm dùng khí đốt Nga: Có nước còn "tranh thủ" sang Moscow mua thêm

Tất Đạt |

Năm ngoái, nguồn cung khí đốt từ Nga chiếm tới 40% nhu cầu sử dụng tại EU. Đề xuất giảm dùng 15% khí đốt tại EU đã vấp phải phản đối từ nhiều nước.

Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho rằng nhiều khả năng Nga sẽ chấm dứt cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ảnh: Bloomberg

Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho rằng nhiều khả năng Nga sẽ chấm dứt cung cấp khí đốt cho châu Âu. Ảnh: Bloomberg

Đề xuất cắt giảm khí đốt

Các chính phủ châu Âu đang cố gắng "hạ nhiệt" các kế hoạch của Liên minh Châu Âu (EU) về việc kêu gọi khối cắt giảm nhu cầu khí đốt để chống lại sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga trong mùa đông này.

Các nhà ngoại giao từ 27 quốc gia thành viên EU đã mâu thuẫn gay gắt trong các cuộc đàm phán kể từ khi Ủy ban châu Âu đề xuất các biện pháp hồi tuần trước yêu cầu các nước cắt giảm 15% sử dụng khí đốt kể từ tháng tới. Kế hoạch đã gây ra tranh cãi về quy mô của mục tiêu và liệu EU có đủ khả năng để thực hiện nó hay không. Đề xuất cần được các quốc gia thành viên thông qua tại cuộc họp của bộ trưởng năng lượng trong tuần này.

Trong một đề xuất dự thảo mà Financial Times thu được, các nước EU đã đề nghị rằng, có thể EU sẽ cần một số mục tiêu tự nguyện được tiêu chuẩn hóa trong toàn khối, nhưng còn các mục tiêu bắt buộc phải tính đến sự phụ thuộc của mỗi quốc gia vào khí đốt của Nga cũng như số lượng mà họ đã tích trữ được trong thời gian qua.

EU chia rẽ vì đề xuất giảm dùng khí đốt Nga: Có nước còn tranh thủ sang Moscow mua thêm - Ảnh 1.

Ảnh: Krisztian Bocsi/Bloomberg

Tới thời điểm hiện tại, các bộ trưởng Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Síp và Hy Lạp đã nói "không" với đề xuất ràng buộc cắt giảm tiêu thụ khí đốt, trong khi 3 nhà ngoại giao EU xác nhận hiện không có đủ số phiếu để thông qua các quy tắc mới.

Trong khi đó, Hungary còn tuyên bố không có ý định cắt giảm bất kỳ nguồn khí đốt nào của họ từ tháng tới. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó thậm chí đã đến Moscow với nỗ lực mua thêm nguồn cung của Nga trong khi vẫn có thể.

Đề xuất của EU cho biết mức giảm tiêu thụ khí đốt cũng sẽ ít hơn nếu một quốc gia thành viên có thêm khí đốt để cung cấp cho các quốc gia khác trong EU thông qua các vận chuyển hoặc đường ống dẫn LNG. Theo dự thảo, một số ngành được coi là quan trọng đối với thị trường cũng được cân nhắc miễn trừ.

"Các quốc gia thành viên nên tự do lựa chọn các biện pháp thích hợp để đạt được mức giảm sử dụng khí đốt", dự thảo viết.

Khó khăn của EU

EU đang vất vả tìm cách chuẩn bị cho việc cắt giảm nguồn cung năng lượng có thể xảy ra vào mùa đông tới, khi Moscow hàm ý về việc siết chặt việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Năm ngoái, EU phụ thuộc vào Nga khoảng 40% khí đốt khối này tiêu thụ, tương đương 155 tỷ mét khối khí đốt nhưng hiện đã tuyên bố sẽ tự cắt bỏ các nguồn cung cấp này vào năm 2027.

Reuters cho biết, việc cắt giảm tự nguyện sẽ trở thành bắt buộc nếu Ủy ban châu Âu tuyên bố tình trạng khủng hoảng năng lượng là rất nghiêm trọng hoặc nếu 3 quốc gia thành viên đề nghị thay đổi đề xuất.

Các chính phủ EU - đặc biệt từ các quốc gia Nam Âu thường ít phụ thuộc hơn vào Nga - phàn nàn rằng Ủy ban đã vượt quá quyền hạn và mục tiêu 15% là quá cao.

Đề xuất còn khuyến nghị rằng các quốc gia có thêm 1 tháng cho đến cuối tháng 10 để trình bày kế hoạch "khẩn cấp quốc gia" của họ với ủy ban.

Một số nhà ngoại giao từ các nước EU hoan nghênh đề xuất mới này và cho rằng nó sẽ là cơ sở cho một thỏa thuận khác, trong khi những người khác nêu lo ngại rằng với quá nhiều miễn trừ, châu Âu sẽ không tiết kiệm đủ khí đốt để vượt qua mùa đông nếu Nga cắt giảm nguồn cung.

EU chia rẽ vì đề xuất giảm dùng khí đốt Nga: Có nước còn tranh thủ sang Moscow mua thêm - Ảnh 2.

Một nhà ngoại giao cho biết mục đích là để đảm bảo các nước thể hiện sự đoàn kết bằng cách đồng ý hành động cùng nhau, đồng thời đảm bảo đề xuất không bị suy yếu quá mức.

Theo đề xuất do Cộng hòa Séc soạn thảo, các quốc gia không có liên kết với mạng lưới khí đốt của EU sẽ được miễn trừ - có thể bao gồm các quốc đảo như Ireland và Malta.

Những nước có khối lượng lớn khí đốt dự trữ có thể phải đối mặt với các mục tiêu hạn chế nhu cầu thấp hơn - cũng như các nước có thể xuất khẩu khí đốt sang nước khác, có thể bao gồm cả Tây Ban Nha, quốc gia không phụ thuộc vào Nga về khí đốt và là một trong những nước phản đối kiên quyết nhất đối với đề xuất của EU. Các ngành quan trọng như hóa chất và thép cũng có thể được miễn trừ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại