EU “chật vật” duy trì các tuyến đường đoàn kết với Ukraine

Thu Hoài/VOV1 |

VOV.VN - Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần qua kêu gọi Nga gia hạn thoả thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine an toàn qua các cảng ở Biển Đen. Áp lực đang gia tăng buộc khối 27 nước thành viên phải giải phóng lượng nông sản dư thừa của Ukraine đang tràn ngập các nước phía Đông sau khi Nga rút khỏi thoả thuận hồi tháng trước.

Theo Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu Valdis Dombrowskis, sự đổ vỡ của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đang tạo ra vấn đề không chỉ cho Ukraine, mà còn cho nhiều nước đang phát triển. EU đã triển khai các tuyến đường thay thế và đã giúp xuất khẩu 45 triệu tấn ngũ cốc, hạt dầu và các sản phẩm liên quan của Ukraine kể từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, những tuyến đường này đang bị căng thẳng.

EU “chật vật” duy trì các tuyến đường đoàn kết với Ukraine - Ảnh 1.

Ảnh: UNCTAD

Việc vận chuyển ngũ cốc bằng đường sắt và đường bộ rất tốn kém và kém hiệu quả, khiến các sản phẩm vốn là mặt hàng xuất khẩu chính và là huyết mạch kinh tế quan trọng của Ukraine trở nên kém cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thừa nhận: “Chúng tôi đang nghiên cứu các tuyến đường thay thế và đó là nhiệm vụ mà chúng tôi đã hoàn thành. Nhưng khách quan mà nói, hoạt động của tuyến đường Biển Đen vẫn là một giải pháp tối ưu từ mọi quan điểm. Chúng tôi sẽ có thể mở rộng đáng kể việc vận chuyển ngũ cốc qua các hành lang trên bộ. Nhưng việc phong tỏa Biển Đen phải chấm dứt”.

Romania đã mở rộng năng lực của cảng Constanța để đáp ứng lưu lượng hàng hoá ngày càng tăng. Ba Lan cũng đã đầu tư khoảng 100 triệu euro vào các dự án nhằm tăng cường năng lực đường sắt và tạo ra một cửa khẩu biên giới mới với Ukraine. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư cần thiết để phát huy hết tiềm năng của các làn đường đoàn kết ước tính lên tới hàng tỷ euro. Trong khi đó, Uỷ ban châu Âu nhiều lần cảnh báo ngân sách cơ sở hạ tầng của EU đang bị thiếu hụt, thậm chí là cạn kiệt. Và ngay cả trong trường hợp tìm kiếm được nguồn tài chính, thì các tuyến đường đoàn kết cũng khiến EU phải trả giá đắt về mặt chính trị.

Chyên gia Gabor Bidlo tại Công ty phân tích tư vấn Budagabona của Hungary nhận định: “Rõ ràng là vào cuối tháng 11, giữa tháng 12 năm ngoái, giá ngũ cốc đã đạt đỉnh và một cục diện thị trường khác đã hình thành. Những người sản xuất, nông dân và thương nhân khi đó đã lạc quan rằng giá sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên hiện nay, các nhà sản xuất này đã lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng và điều này đặt ra những thách thức”.

Sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra vào năm 2022, việc bán phá giá tràn lan ngũ cốc Ukraine trên thị trường Ba Lan đã khiến nông dân địa phương tức giận và sự hiện diện của hàng nghìn tài xế xe tải Ukraine đã gây căng thẳng cho các công ty vận tải địa phương Ba Lan và Romania.

Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng thuyết phục Nga quay trở lại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và Liên minh châu Âu đã khẳng định sẽ ủng hộ mọi nỗ lực của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm khôi phục thoả thuận. Tuy nhiên, tại cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này sẽ chỉ quay lại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen chừng nào phương Tây tôn trọng đầy đủ nghĩa vụ với Nga. Điều này đồng nghĩa với việc EU sẽ còn phải căng thẳng vì ngũ cốc Ukraine trong một thời gian nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại