EU cạnh tranh với Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Cẩm Bình |

Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị cùng với Mỹ, Nhật Bản, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Trung Quốc đang thực hiện.

Chiến lược kết nối Âu - Á dự kiến được các nước thành viên EU đồng ý vào ngày 15.10 trước khi chính thức công bố tại Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM). Ngoài ra EU còn đang làm việc về nhiều kế hoạch tăng cường đầu tư ở Ấn Độ cùng với Trung Á.

Liên minh châu Âu cũng bày tỏ ý định hợp tác với những chiến lược khác như BRI, “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIPS) của Nhật Bản và “Kết nối ASEAN 2025”. Các tài liệu chính sách mô tả chiến lược sắp công bố của EU “bền vững, toàn diện, dựa trên luật lệ” nhằm tạo ra sân chơi lẫn cơ hội bình đẳng cho mọi quốc gia.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính khu vực cần hơn 1,7 nghìn tỉ USD cho phát triển cơ sở hạ tầng trong mỗi năm. Theo giới quan sát, việc gia tăng cạnh tranh trong tài trợ dự án giúp châu Á đạt được nhiều thỏa thuận tốt hơn.

Nhà nghiên cứu cấp cao Frans-Paul van der Putten đến từ Học viện Quan hệ quốc tế Clingendael (Hà Lan) cho rằng, chiến lược kết nối Âu - Á có mục đích cạnh tranh với Trung Quốc và là một phần của nỗ lực tăng cường mặt trận thống nhất chống lại chính sách của Bắc Kinh.

Giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội đồng Đối ngoại châu Âu (EFCR) François Godement kêu gọi minh bạch và cởi mở trong chiến lược kết nối Âu - Á có ý nhắm đến Trung Quốc. Ông cũng nhận định kế hoạch nhấn mạnh đến vai trò của các đối tác trong lẫn ngoài khu vực để “cân bằng” với cường quốc châu Á.

Đại diện EU về ngoại giao Federica Mogherini tuyên bố chiến lược kết nối có thể giúp tăng đầu tư vào châu Á của Liên minh châu Âu lên 3- 4 lần.

EU cạnh tranh với Vành đai và Con đường của Trung Quốc - Ảnh 1.

Châu Á được hưởng lợi khi nhiều đối tác cạnh tranh đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực - Ảnh: Center for Global Development


Trước EU, Mỹ vào tháng 7 vừa qua đã công bố kế hoạch “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Economic Vision) với các sáng kiến đầu tư 113 triệu USD cho các mảng công nghệ mới, năng lượng và hạ tầng, chi 25 triệu USD mở rộng xuất khẩu công nghệ Mỹ vào khu vực, cùng gần 50 triệu USD trong năm nay hỗ trợ các nước sản xuất và dự trữ năng lượng, tạo một mạng lưới hỗ trợ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.

Mức chi tiêu tối đa cho hỗ trợ tài chính phát triển cũng được tăng lên 60 tỉ USD. Không những vậy, Washington còn cam kết cung cấp 300 triệu USD cho hợp tác an ninh tại khu vực.

Thủ tướng Shinzo Abe ngày 9.10 khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào và Myanmar trong ít nhất 150 dự án thuộc khuôn khổ Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác Nhật Bản - Mê Kông (giai đoạn 2019-2021).

Theo chuyên gia Thôi Hồng Kiến của Viện nghiên cứu Vấn đề quốc tế (Trung Quốc) thì “Các bên đều nhận thức được rằng cơ sở hạ tầng cơ bản là cần thiết cho kinh tế- thương mại”.

Chuyên gia Thôi cho rằng sự gia tăng cạnh tranh buộc doanh nghiệp Trung Quốc phải làm việc hiệu quả hơn trong các dự án BRI. Ông cũng đề xuất châu Âu ngay khi khởi động chiến lược của mình cần phải tăng cường liên lạc với công ty đối tác lẫn Bắc Kinh để làm rõ quy tắc trong hợp tác.

Nhà nghiên cứu Garima Mohan thuộc Viện nghiên cứu Chính sách công toàn cầu đánh giá chiến lược kết nối Âu - Á là bước đi đầu tiên tốt đẹp của EU, tạo ra khuôn khổ cho hoạt động của họ tại châu Á. Liên minh châu Âu có thể dựa vào kế hoạch này để phát triển quan hệ đối tác với Ấn Độ, Úc hay Nhật Bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại