EU "bế tắc" trong việc trừng phạt Belarus: Lòng tin một lần nữa bị thử thách

Thu Hoài |

Ngoại trưởng 27 nước thành viên EU hôm nay (21/9) nhóm họp tại thủ đô Brussels, Bỉ để thảo luận về biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tới cuộc bầu cử hôm 9/8 vừa qua.

Tuy nhiên, đây lại là vấn đề đang gây chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên và thậm chí một nhà ngoại giao châu Âu đã gọi đây là một mối đe dọa đối với uy tín của liên minh hơn 60 năm tuổi này.

Cuộc họp ngày hôm nay được xem là nhằm hiện thực hóa lời hứa đưa ra hồi cuối tháng 8 vừa qua trừng phạt chính quyền Belarus vì những gì mà khối này cho là gian lận bầu cử hay đàn áp người biểu tình. Tuy nhiên, cam kết này lại đang vấp phải rào cản lớn từ chính thành viên của khối, Cộng hòa Síp. Hồi tuần trước đại diện các nước thành viên đã tìm cách khơi thông bế tắc này song không thành công.

Kết quả là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong thông điệp hàng năm của mình đã buộc phải thừa nhận, chính sách ngoại giao của khối thường xuyên bị tê liệt bởi một hệ thống cho phép một quốc gia có thể phủ quyết 26 quốc gia khác.

"Tại sao ngay cả những tuyên bố đơn giản về các giá trị của Liên minh châu Âu cũng bị trì hoãn hay trở thành con tin của những động cơ khác đằng sau? Khi các quốc gia thành viên chỉ trích châu Âu quá chậm, thì tôi xin nói rằng, các bạn hãy dũng cảm đưa ra các quyết định và chuyển sang hệ thống bỏ phiếu đa số đủ điều kiện, ít nhất là về nhân quyền hay các lệnh trừng phạt”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.

Cộng hòa Síp đã đặt ra điều kiện để thông qua dự thảo trừng phạt Belarus là phải có một dự thảo tương tự đối với quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Những tranh cãi liên quan tới nguồn khí đốt dồi dào trên Địa Trung Hải và việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu thăm dò tới khu vực đặc quyền kinh tế của Cộng hòa Síp và Hy Lạp hồi tháng 8 vừa qua đã làm leo thang căng thẳng giữa hai bên.

Trong bối cảnh Liên minh châu Âu muốn nhanh chóng thông qua các lệnh trừng phạt nhằm vào Belarus ngay trong tuần này, thì những bế tắc hiện nay có thể làm thay đổi trọng tâm chương trình nghị sự của cuộc thảo luận từ Belarus sang quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay trước thềm cuộc họp, một nhà ngoại giao Cộng hòa Síp tuyên bố, nước này không có bất kỳ vấn đề gì đối với việc áp đặt các lệnh trừng phạt chống Belarus, song muốn hai tiến trình phải được thực hiện song song.

Cũng trong ngày hôm nay, thủ lĩnh đối lập Belarus và hiện sống lưu vong tại Lithuana Svetlana Tikhanovskaia có cuộc gặp với các ngoại trưởng Liên minh châu Âu ở Brussels và dự kiến sẽ trình “danh sách đen” các quan chức và thành viên lực lượng an ninh Belarus có thể chịu trừng phạt.

Chính phủ Belarus đã phản đối mạnh mẽ lập trường của Liên minh châu Âu, đồng thời cho rằng, việc kêu gọi trừng phạt và từ chối các mối quan hệ vì lợi ích của người dân châu Âu và Belarus sẽ gây ra nhiều tổn hại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thì cho rằng, việc Brussels mời thủ lĩnh đối lập Belarus tham dự cuộc họp đồng nghĩa với hành động can thiệp rõ ràng vào công việc nội bộ của nước khác./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại