EU bảo vệ thương mại với Iran bằng cơ chế mới

Phan Hiển |

Một hệ thống mới nhằm tạo thuận lợi cho thương mại phi USD với Iran có thể sẽ được áp dụng vào cuối năm nay. Điều này cũng có nghĩa là các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào quốc gia Hồi giáo này sẽ vô hiệu.

Phương tiện vì mục đích đặc biệt

Trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc họp với các Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Brussel ngày 11-12, Cao ủy đối ngoại và chính sách an ninh của EU Federica Mogherini cho biết, một cơ chế thuận lợi cho trao đổi thương mại không sử dụng đồng USD giữa khối này với Iran mang tên "Phương tiện vì mục đích đặc biệt" (SPV) có thể được áp dụng trong 1-2 tuần tới. Việc chuẩn bị cho cơ chế này đang "tiến triển tốt".

"Tôi hy vọng công cụ này sẽ được thành lập trong vài tuần tới, trước cuối năm nay vì đây là một cách để bảo vệ và thúc đẩy kinh doanh hợp pháp với Iran", bà Federica Mogherini nói.

Theo lời một số nhà ngoại giao EU, tham vọng đặt ra cho SPV có thể sẽ bị thu nhỏ lại, chỉ bao gồm các mặt hàng ít nhạy cảm hơn như các sản phẩm nhân đạo và thực phẩm - thay vì buôn bán dầu như đề xuất trước đó.

"Sự ủng hộ mạnh mẽ của chúng tôi đối với việc thực hiện thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) không có nghĩa là chúng tôi nhắm mắt làm ngơ cho các vấn đề khác", bà Federica Mogherini nhấn mạnh.

Hãng tin Bloomberg cho hay, EU cho rằng SPV sẽ giúp bảo vệ lợi ích kinh tế mà Iran có được từ việc hạn chế chương trình hạt nhân của mình theo thỏa thuận JCPOA được ký kết giữa nhóm P5+1 và Tehran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này nhưng EU thì muốn nó vẫn tiếp tục được duy trì.

Vì vậy, giới chức EU cũng kêu gọi các quốc gia thành viên sớm thông qua SPV mà không sợ bị Mỹ có biện pháp trả đũa. Hiện Pháp và Đức đang đi đầu trong việc nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đối với cơ chế SPV. Bằng chứng là trong một cuộc họp kín với các bộ trưởng của khối tại Brussels hôm 19-11, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã tuyên bố sẽ hợp tác với người đồng cấp Đức để "đạt được điều gì đó vào cuối năm".

Đồng thời, ông Jean-Yves Le Drian cũng xóa bỏ những nghi kị về khả năng có một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran sau khi nước này bị cáo buộc có âm mưu tấn công Pháp và Đan Mạch.

Cơ hội sử dụng đồng Euro rộng rãi

Thống kê mới nhất được đăng tải trên trang mạng Eghtesadonline hồi hạ tuần tháng 11 cho hay, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Iran với các nước thành viên EU giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2018 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 13,89 tỷ Euro (tương đương 16,89 tỷ USD).

Năm quốc gia thành viên EU có trao đổi thương mại lớn nhất với Iran bao gồm Italia, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Hy Lạp; và có kim ngạch thương mại song phương lần lượt là 3,78 tỷ Euro, 2,31 tỷ Euro, 2,28 tỷ Euro, 2,25 tỷ Euro và 1,11 tỷ Euro.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Iran đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 8,3 tỷ Euro tới các nước thành viên EU, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Iran bao gồm nhiên liệu hóa thạch, dầu mỏ và các sản phẩm chưng cất và sáp khoáng, quặng sắt và thép, các loại trái cây và hạt…

Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA, EU vẫn tìm kiếm các cuộc đàm phán mới với Iran. Tuy nhiên, gần đây Iran đã cảnh báo có thể từ bỏ thỏa thuận hạt nhân nếu các cường quốc EU không thể bảo vệ được các lợi ích thương mại và tài chính cho nước này.

Hãng thông tấn IRNA của Iran hôm 30-11 đã dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề chính trị Abbas Araqchi cho biết, sự kiên nhẫn của Tehran là có giới hạn và nước này sẽ không thể cứ đợi chờ việc EU thiết lập một cơ chế hỗ trợ hoạt động giao thương song phương khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang gia tăng sức ép lên nền kinh tế Iran.

Thứ trưởng Abbas Araqchi cho rằng, các nước EU đã thể hiện ý chí chính trị mong muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng có vẻ như Brussels đang tìm cách trì hoãn việc phát triển các kế hoạch hành động có thể đảm bảo những lợi ích kinh tế của Iran trong thỏa thuận hạt nhân.

Trên thực tế, Iran vẫn đang hy vọng rằng, SPV sẽ cho phép EU tiếp tục mua dầu của Iran và nó sẽ đóng vai trò là cơ quan thanh toán bù trừ mà người mua dầu Iran sẽ trả tiền, cho phép EU giao dịch dầu với Iran mà không phải trả trực tiếp cho Cộng hòa Hồi giáo.

Còn EU thì cũng muốn nhân cơ hội này để kêu gọi sử dụng rộng rãi hơn đồng tiền Euro trong các giao dịch liên quan đến năng lượng. Ủy ban châu Âu dự kiến từ ngày 12-12 sẽ bắt đầu tư vấn về tiềm năng thị trường để sử dụng rộng rãi hơn các giao dịch bằng đồng Euro trong dầu mỏ, các sản phẩm tinh chế và khí đốt.

Được biết, hóa đơn nhập khẩu năng lượng của EU mỗi năm là 340 tỷ USD (300 tỷ Euro), khoảng 85% trong số đó được trả bằng USD, trong khi tỷ lệ nhập khẩu từ Mỹ hiện chỉ là 2%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại