Vào thế kỷ 19, các nhà cổ sinh vật học đã thu thập được nhiều mẫu xương và răng mà thời điểm đó họ không thể xác định được nó thuộc về những loài vật nào. Một số trong số những mẫu xương hóa thạch đó đến từ Ethiopia và được nhận định là có nguồn gốc từ 4,5 triệu năm trước. Giờ đây, sau 150-180 năm được lưu giữ, một số hóa thạch này đã được xác định là đến từ những con rái cá khổng lồ nặng hơn 200 kg và cùng tồn tại trong khu vực với tổ tiên của chúng ta.
Loài mới này được đặt tên là Enhydriodon omoensis, một loài rái cá khổng lồ sinh sống vào kỷ Pliocen và Miocen muộn. Các nhà cổ sinh vật học cho rằng loài rái cá khổng lồ này có kích thước giống như một con sư tử khi nó được mô tả một cách khoa học vào năm 2011.
Trên thực tế, rái cá là loài có kích thước rất đa dạng. Loài rái cá quen thuộc nhất trong số 13 loài rái cá còn sống có thể là rái cá Á-Âu, nhưng phân họ này có nhiều kích cỡ đến đáng ngạc nhiên. Rái cá Âu Á thường nặng tới 17 kg nhưng rái cá vuốt nhỏ Châu Á chỉ nặng 2-6 kg, trong khi rái cá biển Bắc Thái Bình Dương có thể nặng 45 kg.
Loài rái cá khổng lồ mới này được đặt lên là Enhydriodon omoensis, chúng được cho là đã từng sống song song với tổ tiên lâu đời của chúng ta - Australopithecine - người vượn Phương Nam - cách đây 3,5 đến 2,5 triệu năm.
Chi Enhydriodon đã tuyệt chủng đã được tìm thấy ở nhiều địa điểm trên khắp miền đông Châu Phi và đôi khi xa hơn, với ít nhất sáu loài sống trong thời gian này.
E. omoensis được tìm thấy ở Thung lũng Lower Omo, Ethiopia phía bắc hồ Turkana, đây cũng là nơi mà những công cụ bằng đá cổ nhất được tạo ra cách đây 3,3 triệu năm.
Hóa thạch người cổ đại Australopithecine cũng được tìm thấy trong cùng hệ tầng Omo, và sau đó con người thời kỳ đầu cũng sống trong khu vực này; Homo Sapiens thậm chí có thể đã tiến hóa ở đó. Bởi vậy có thể loài E. omoensis sẽ là đối thủ cạnh tranh với tổ tiên của chúng ta về thức ăn, và có lẽ rất có thể loài rái cá này đã từng tấn công tổ tiên của chúng ta.
Theo Phys.org, các nhà nghiên cứu đã xem xét hàm răng của rái cá khổng lồ để hiểu nó ăn gì. Bằng cách nghiên cứu các đồng vị ổn định của carbon và oxy trong men răng của nó, họ phát hiện ra rằng rái cá có chế độ ăn uống tương tự như các loài động vật có vú trên cạn thời tiền sử như mèo lớn và linh cẩu.
Điều này khiến nhóm nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên, vì họ dự đoán rái cá có chế độ ăn uống tương tự như hà mã cổ đại “hoặc các động vật bán thủy sinh khác”, những sinh vật ăn những thứ như nhuyễn thể, rùa, cá sấu và cá da trơn. Thay vào đó, có vẻ như Enhydriodon omoensis săn những con mồi ăn chế độ ăn "trên cạn" gồm cỏ, thảm thực vật và cây cối.
Tiến sĩ Kevin Uno của Đại học Columbia cho biết: "Điều đặc biệt, ngoài kích thước khổng lồ của nó, đồng vị trong răng của loài rái cá này cũng cho thấy nó không phải là một loài thủy sinh, giống như tất cả các loài rái cá hiện đại". "Chúng tôi nhận thấy nó có chế độ ăn của động vật trên cạn, cũng khác với rái cá hiện đại".
Với cân nặng lên tới 200 kg, kích thước cơ thể bằng một con sư tử, Enhydriodon omoensis là loài rái cá to nhất từng được tìm thấy trên Trái Đất. Tại Trung Quốc cũng từng phát hiện ra hóa thạch của một loài rái cá cổ đại có kích thước tương đương với một con chó sói và nặng khoảng 50 kg, chúng được đặt tên là Siamogale melilutra. Loài này thuộc về một loài rái cá cổ đại đã tuyệt chủng, từng tồn tại ít nhất vào 18 triệu năm trước.
Vậy làm thế nào mà loài rái cá khổng lồ Enhydriodon omoensis lại tuyệt chủng?
Theo Daily Mail, loài rái cá có kích thước tương tự như những con sư tử này có thể đã chết vì môi trường sống của chúng bị thay đổi. Khi khí hậu trở nên khô hơn và những loài người cổ đại sớm di chuyển vào môi trường sống tự nhiên của rái cá, Enhydriodon omoensis có thể đã không thể cạnh tranh với tổ tiên loài người cổ đại của chúng ta về tài nguyên một cách hiệu quả.
Các tác giả giải thích: “Rái cá Enhydriodon đã tuyệt chủng ở Châu Phi vào khoảng thời gian chuyển tiếp Plio-Pleistocen, cùng với nhiều loài ăn thịt có kích thước lớn và chuyên biệt về mặt sinh thái”, theo Sci.News.
Theo Phys.org, nhóm nghiên cứu có kế hoạch mở rộng tìm kiếm và kiểm tra các hóa thạch rái cá Châu Phi khác. Bằng cách nghiên cứu men răng và cấu trúc xương của chúng, họ hy vọng có thể hiểu rõ hơn về cách những con rái cá khổng lồ từng sinh sống ở Châu Phi thời tiền sử cách đây hai triệu năm.