Tháng 10/2017, cả Google và Apple đều có lần đầu tiên ra mắt các sản phẩm có hỗ trợ sử dụng eSIM, đó là Google Pixel 2, Google Pixel 2 XL và Apple Watch Series 3 bản Cellular. So với đối thủ đến từ Hàn Quốc, hai nhà phát triển smartphone này chậm chân hơn khoảng 1 năm, bởi Samsung đã từng tích hợp công nghệ này vào chiếc smartwatch Samsung Gear S2 ra mắt năm 2016.
Nhưng ở năm 2016, không ai nghĩ rằng ngành công nghệ SIM đang bước những bước đầu tiên vào cuộc cách mạng, bởi sự xuất hiện của eSIM khi đó chưa bao hàm việc phải vào cuộc của các nhà mạng trên thế giới. Cho đến khi Google và Apple cùng thay đổi, các nhà mạng quốc tế đã phải đưa ra lựa chọn: Phát triển eSIM, nếu không sẽ mất lượng khách hàng sử dụng các thương hiệu thiết bị công nghệ phổ biến nhất thế giới.
Dẫu vậy, vào tháng 9/2018, khi Apple chính thức tung ra bộ 3 thiết bị di động mới, đều hỗ trợ công nghệ eSIM thì thế giới mới chỉ có 10 thị trường hỗ trợ chiếc sim điện tử này, bao gồm Áo, Croatia, Canada, Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ấn Độ, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ, với một số lượng hữu hạn các nhà mạng cung cấp dịch vụ. Việt Nam, cho đến nay, vẫn chưa nằm trong danh sách cung cấp dịch vụ cho eSIM.
Theo đại diện của MobiFone, không chỉ có nhà mạng này, mà cả 2 đối thủ khác là các ông lớn trên thị trường viễn thông Việt Nam hiện chưa đưa ra chính sách và công nghệ để hỗ trợ chiếc eSIM trên dòng điện thoại mới của Apple.
"Đây là sản phẩm rất mới, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Chúng tôi sẽ có thông báo cụ thể sau nếu có thay đổi về hỗ trợ eSIM, nhưng ở thời điểm hiện tại, lộ trình về việc phát triển công nghệ này chưa thể công bố", vị này chia sẻ.
Trả lời câu hỏi về việc chậm chạp hơn so với thế giới trong phát triển công nghệ eSIM liệu có hay không liên quan đến vấn đề kinh doanh, đại diện một nhà mạng lớn ở Việt Nam khẳng định, eSIM chắc chắn là xu hướng mà doanh nghiệp trong ngành viễn thông Việt Nam phải đi theo, dù muốn dù không.
"Sớm muộn các nhà mạng cũng sẽ phải hỗ trợ eSIM, vì nó là xu hướng của các nhà phát triển phần cứng, nên các dịch vụ viễn thông đi kèm cũng sẽ phải bước theo. Nhưng việc kinh doanh eSIM có khó khăn hơn so với SIM thường hay không thì phải áp dụng vào thực tế mới biết được, còn hiện nay, sản phẩm chưa có thì chưa thể so sánh.
Đây vốn không phải là chuyện làm hay không làm, mà là bài toán làm lúc nào, làm như thế nào sẽ phải tính rất kỹ. Vì với một sản phẩm mới, có phần phi truyền thống và liên quan đến cả phần cứng lẫn phần mềm (dịch vụ) như vậy là không dễ".
Thực tế, để có thể sử dụng được eSIM một cách dễ dàng, các nhà mạng sẽ phải có gói sản phẩm dịch vụ tương đối đồng nhất, bởi việc chuyển ngang mạng sẽ không chỉ tác động đến các dịch vụ cơ bản. Điều đó cũng có nghĩa, những cố gắng để trở nên khác biệt của các nhà mạng trong việc cung cấp gói dịch vụ sẽ gần như không còn, thay vào đó là các ưu tiên về hạ tầng kết nối, độ phủ sóng và tính ổn định.
Ngoài ra, nếu eSIM trở thành phổ biến, người dùng sẽ dần quên đi việc họ là khách hàng trung thành của một nhà mạng cụ thể. Chuyên gia tư vấn viễn thông của hãng Northstream, Bengt Nordstrom thậm chí vẽ ra một tương lai chẳng mấy sáng sủa cho các nhà mạng khi cho rằng, từ góc độ của người dùng, "nếu bạn hỏi họ đang sử dụng dịch vụ nào, họ sẽ nói họ là người dùng iPhone hay Samsung, chứ không phải nhà mạng nữa".