Ép lá cây thành đĩa dùng một lần, xuất đi châu Âu

Tuân Nguyễn |

Lần đầu tiên ở Việt Nam, một dự án khởi nghiệp bằng việc ép nhiệt cho những lá cây tra để tạo thành những sản phẩm là những chiếc đĩa xinh đẹp bước đầu cho thấy tín hiệu khả quan.

Cây tra được trồng trong một làng chài ven biển Phú Yên.

Cây tra được trồng trong một làng chài ven biển Phú Yên.

Dọc bờ biển Nam Trung bộ, cây tra được trồng khá phổ biến, lá xanh quanh năm, chịu được môi trường biển, chịu gió mặn, nắng nóng, cây và quả, tán lá hao hao cây bàng.

Ép lá cây thành đĩa dùng một lần, xuất đi châu Âu - Ảnh 1.

Cây tra ra quả như những chùm nho nên một số người dân địa phương gọi là cây nho biển. Quả của chúng khi chín còn được người dân dùng để ngâm rượu hoặc làm mứt.

Một dự án táo bạo vừa được anh Nguyễn Văn Tuyến (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) và chị Nguyễn Thị Thu Hà (người khởi xướng chương trình “1 tỷ cây xanh”, hiện đang sở hữu hệ thống homestay, farmstay tại Phú Yên) đang thực hiện, đó là ép lá tra thành các sản phẩm độc đáo.

Anh Tuyến vốn được biết đến là người ép mo cau thành các sản phẩm gia dụng hữu ích như đĩa, khay, thân thiện với môi trường. Từ thành công với mo cau, anh Tuyến và chị Hà đã thực hiện thành công với thử nghiệm đưa lá tra vào máy ép nhiệt để tạo nên những chiếc đĩa nhỏ xinh.

Với mỗi chiếc lá tra, sau khi đưa vào máy ép nhiệt sẽ tạo ra được một chiếc đĩa hình chiếc lá. Những chiếc đĩa này có thể dùng để đựng các loại hạt, bánh kẹo, salad, đồ ăn,… thay thế cho những chiếc đĩa bằng xốp nhựa dùng một lần.

Hiện nay, cơ sở chế biến của anh Nguyễn Văn Tuyến xuất bán ra thị trường khoảng 50.000 – 60.000 sản phẩm từ mo cau.

Nhờ kinh nghiệm từ chế biến sản phẩm từ mo cau bằng chiếc máy ép nhiệt, việc sáng tạo thêm những sản phẩm từ lá tra không phải là quá khó. Ngoài việc chào bán sản phẩm tại thị trường trong nước, các sản phẩm này còn được hướng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

“Chúng tôi đang tập trung hái lá, phơi khô sau đó rửa sạch, ép nhiệt và khử khuẩn để tạo thành những chiếc đĩa. Lá được chọn phải là những chiếc lá già hoặc lá bánh tẻ mới cho ra sản phẩm tốt nhất”, chị Vũ Thị Thu Hà chia sẻ.

Ép lá cây thành đĩa dùng một lần, xuất đi châu Âu - Ảnh 2.

Sau khi phơi khô và rửa sạch, lá tra được tạo thành những chiếc đĩa nhờ máy ép nhiệt.

Chị Hà cho biết, lô hàng đầu tiên gồm 7.000 chiếc đĩa làm từ lá tra đã được xuất khẩu sang Ba Lan với giá 2.000 đồng/chiếc. Mỗi chiếc lá được thu mua lại từ người dân bản địa với giá 200 đồng/lá. Sau khi phơi khô, rửa sạch và làm ra thành phẩm, chi phí nhân công khoảng 400 đồng/cái, chưa tính tiền điện, tiền đầu tư máy ép thủy lực với giá 120 triệu đồng/máy.

Sau thành công với chuyến hàng đầu tiên được gửi đi chào hàng tại Ba Lan, chị Hà đã nhận được đề nghị gửi mẫu và quy trình sang Nhật Bản, một thị trường tiềm năng cho sản phẩm thân thiện với môi trường.

Được biết, ngoài những chiếc đĩa hình tim, dự án còn tạo thêm các loại đĩa khuôn được thiết kế theo yêu cầu của khách hàng.

Ép lá cây thành đĩa dùng một lần, xuất đi châu Âu - Ảnh 3.

Lô sản phẩm 7.000 chiếc đĩa làm từ lá tra đầu tiên đã được xuất khẩu sang Ba Lan.

Là người khởi xướng và thực hiện dự án “1 tỷ cây xanh”, chị Vũ Thị Thu Hà cho biết sẽ nhân cơ hội này để thúc đẩy trồng cây tra ở các tỉnh ven biển của Việt Nam, qua đó vừa góp phần làm cây chắn gió bão, chống xói mòn, vừa tạo ra nguồn thu cho người dân từ việc khai thác lá tra.

“Hiện tại tôi mới bắt đầu đưa cây này vào trồng ở hệ thống homestay, farmstay tại Phú Yên. Sau đó sẽ mở rộng việc trồng thêm cây ở các tỉnh có đường ven biển. Thực tế một số địa phương cũng đã trồng giống cây này làm cây đô thị và cho thấy cây phát triển tốt”, chị Hà cho biết.

Ép lá cây thành đĩa dùng một lần, xuất đi châu Âu - Ảnh 4.

Một số sản phẩm được làm từ mo cau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại