LTS: Nguyễn Văn Đáng, hỗn danh là Đáng "đao", là đầu lĩnh trong băng người nhái của ông trùm Châu Nhị ở Sài Gòn trước năm 1975. Bây giờ về già, cuộc sống của Đáng "đao" có nhiều xa xót.
>>Dùng dao thay súng, gã giang hồ liều mạng "lấy số" những ông trùm khét tiếng miền Tây
Giang hồ loạn thế
Khi Đáng "đao" cát cứ ở miền Tây, thế giới ngầm ở Sài Gòn thuộc sự cai quản của Đại Cathay . Những băng nhóm yếu thế một phần quy thuận Đại, còn một số thì đi tìm cho mình một vùng đất mới, trong đó có đất miền Tây.
Băng của Đáng "đao" án ngữ ngay ở mạn Bắc với uy thế hùng hậu đã khiến nhiều băng đảng phải từ bỏ kể hoạch.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đáng kể, trong những năm ngang dọc chốn giang hồ thì ông với băng thủy quân lục chiến là có nhiều duyên nợ nhất. Chính băng nhóm này đã cướp cầu Khánh Hội của Đáng và ông trùm sĩ quan Hiếu trước đây.
Chúng cũng từng nhiều lần đụng độ nên khi biết ông là đại ca miền Tây, tên tuổi nổi như cồn thì thủy quân lục chiến cũng chẳng ngại ngần gì.
Mã "Khánh Hội", đại ca của băng này kéo mấy chục đàn em xuống yêu cầu Đáng nhường mảnh đất này cho chúng. Tuy nhiên, với binh hùng tướng mạnh hiện có, Đáng "đao" đã không nhượng bộ.
Ông Đáng kể lại chuyện mình chạm trán với ông trùm Mã "Khánh Hội".
Gần hai tháng trời cuối năm 1964, hơn 10 lần băng của Mã "Khánh Hội" đánh chiếm, đòi ông phải chia một phần lợi tức bảo kê thu được ở Long An, Tiền Giang và Bến Tre.
Chỉ đến khi số phận cuộc chiến được định đoạt ở 1 quán nhậu ở bên cạnh sông Vàm Cỏ Tây (cạnh cầu Tân An, Long An bây giờ) thì mọi chuyện mới kết thúc.
Hôm ấy, Đáng nhận được tin mật báo cho biết, băng của thủy quân lục chiến lại xuống Tân An, ông đã cố tình cho đàn em tung tin mình đang ngồi nhậu với em út ở địa điểm trên. Mặt khác ông ngầm bố trí cho đàn em bao vây toàn bộ khu vực này.
Khi thủy quân lục chiến ập vào quán nhậu mà Đáng đang ngồi thì đàn em của ông bao vây tứ phía ùa vào đâm chém.
Bị mất thế, Mã kêu đàn em mở đường máu để rút. Tuy nhiên, với biệt tài phi đao, Đáng đã nhanh tay lấy đi của Mã "Khánh Hội" một bên mắt trái. Cũng từ đó băng thủy quân lục chiến mới từ bỏ ý định thôn tính giang hồ miền Tây.
Dàn quân tử chiến với… em rể
Sau những trận đại chiến với lính thủy quân lục chiến, Đáng "đao" thêm phần số má. Do vậy, không cần ông đánh những băng nhóm lẻ tẻ ở Cần Thơ cũng tự xin đầu quân.
Tuy nhiên, những ông trùm thực thụ như Tiến "than", Hùng "7 ngón" của đất Tây Đô vẫn ương bướng, chống đối băng của Đáng "đao", dù trước đó nhiều lần đàn em của ông đã kéo xuống uy hiếp chúng.
Ông Đáng nhớ lại, sau khi đánh cho băng thủy quân lục chiến tơi bời thì băng nhóm của Đáng lại đối diện với những nguy cơ đe dọa khác. Đó là băng người nhái, của ông trùm Châu Nhị.
Trong chiếu giang hồ khi ấy, băng người nhái chưa có nhiều dấu ấn, nhưng nó vẫn khiến cho Đáng bận tâm. Băng người nhái là lính thủy và chúng đều được đi tu luyện tại nước Mỹ.
Ông trùm kể lại, nếu như thủy quân lục chiến hay những băng nhóm giang hồ Sài thành khi xuống Long An lúc nào cũng khoảng từ 30 đến 40 người mang theo mã tấu, lưỡi lê, phô trương thanh thế rất hùng hậu thì băng người nhái lại hoàn toàn ngược lại. Chúng chỉ có vỏn vẹn có 15 người.
Đáng đánh giá những kẻ du đãng ấy hoàn toàn không hề đơn giản như những băng nhóm khác, nếu không nói là những tên lính tinh nhuệ bậc nhất. Và rồi, điều Đáng lo lắng cũng thành sự thực.
Từng sống xa hoa, có cả đống tiền nhưng giờ ông Đáng sống trong căn nhà nhỏ bé, tồi tàn.
Băng người nhái ngang nhiên tuyên chiến, hẹn một chiều quyết đấu ở trên bến sông Bảo Định (TP. Tân An bây giờ).
Đáng kể, đó là đầu tháng chạp năm 1964, nhận được thư thách đấu của băng người nhái, ông trùm đã lựa chọn những tên đàn em có máu liều lĩnh, võ thuật cao cường và đặc biệt có tài bắn súng để nghênh tiếp.
Đến ngày hẹn, Đáng "đao" cùng đàn em đến địa điểm trên sông Bảo Định dàn trận để tiếp đón những vị khách không mong đợi.
Đúng giờ, băng người nhái đến, 15 tên đi trên 3 xe jeep. Tên nào cũng to lớn, mặt đằng đằng sát khí, không chỉ kè kè bên hông khẩu súng ngắn, chúng còn vác theo cả súng M79 và M16.
Chỉ cần nhìn vào lực lượng của người nhái khi ấy thì những dân anh chị vốn thành danh từ mã tấu dao lê cũng phải dè chừng.
Khác với những trận chiến trước, đây là cuộc đấu sẽ được giải quyết hoàn toàn bằng súng, giống như những cao bồi miền Tây nước Mỹ, báo trước được số thương vong rất lớn.
Băng người nhái dàn trận, những người dân buôn bán quanh khu vực đó sợ hãi chạy toán loạn. "Thằng nào là Đáng "đao" thì ra đây", một kẻ xem chừng là chỉ huy của nhóm người nhái hét.
Lúc này, đang ngồi trong quán nước, nghe thấy vậy, Đáng đứng lên đáp trả "tao đây" rồi tiến lại.
Thấy Đáng "đao" xuất hiện, đầu lĩnh băng người nhái bỗng nhìn đối thủ bằng ánh mắt ngờ ngợ. Và rồi, quẳng khẩu M16 đang cầm cho tên đàn em, gã đi lại về phía ông với vẻ mặt đầy ngạc nhiên.
"Anh hai đó phải không? Trời ơi! Em Phương đây, em cứ tưởng Đáng "đao" là ai, ai ngờ lại là anh mà em không biết", kẻ chỉ huy ấy mừng rỡ.
Lúc này, Đáng "đao" cũng té ngửa. Thì ra người thách chiến với ông lại chính là Nguyễn Văn Phương, tức Phương "nhái", em rể của ông. Phương là cánh tay phải của Châu Nhị, đại ca của băng người nhái.
Ngày Phương "nhái" và em gái thành duyên, Đáng đã không về chung vui được. Sau này, tại chiến trường Bình Long (Bình Phước) hai anh em có hội ngộ một lần cho tới lần đụng độ tại đây.
Tưởng chừng sẽ tắm đối phương trong biển máu nhưng khi biết đó là lãnh địa của anh vợ, Phương đã nhượng bộ. "Em nghe dưới này làm anh em làm ăn dữ lắm, em xuống chỉ định kiếm cái tết thôi, Phương nói.
Nghe em rể nói thế, chẳng cần suy tính, Đáng kêu đàn em mang đến 5 va ly đựng đầy tiền và vàng đưa cho cậu em rể. Cũng lần đó, ông trùm Đáng "đao" đã thiết đãi băng người nhái một trận xõa tưng bừng.
Ngày tàn của "đế chế" miền Tây
Năm 1965, khi ông Nguyễn Cao Kỳ được đưa lên làm thủ tướng của chính quyền Việt Nam cộng hòa thì Châu Nhị, đại ca của băng người nhái, vốn là cận vệ riêng của thủ tướng đã thừa cơ tiếm quyền, muốn bá chủ giang hồ.
Châu Nhị muốn thế chân Đại Cathay trong chiếu giang hồ Sài Gòn.
Bởi cuộc đụng độ giữa ông trùm Châu Nhị và Đại Cathay diễn ra liên tiếp nên dải đất miền Tây của Đáng "đao" vì thế mà được yên bình.
Tuy nhiên, thời gian đó, bởi Đáng "đao" vẫn là một tên lính quèn của chế độ cũ, đám đàn em của ông cũng đều là lính, không tránh khỏi chuyện bị đẩy ra chiến trường bất cứ lúc nào.
Ngày trước xưng bá giang hồ bằng dao kiếm, bây giờ, ông Đáng mưu sinh nhờ cây đàn.
Ông Đáng kể, sau thua trận ấp Bắc (Tiền Giang), chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ tại chiến trường Việt Nam đứng trước nguy cơ thất bại và quân đội Việt Nam Cộng hòa trở nên yếu thế buộc phải lui về thế thủ gần các thành phố lớn.
Ra trận, đám đàn em của Đáng đã thương vong rất nhiều, điều đó đã khiến cho băng đảng của Đáng "đao" suy yếu.
Trong một trận đánh địa đạo Củ Chi, tiểu đội của Đáng "đao" có 9 người thì chết 8, Đáng bị thương ở chân. Ngay trong đêm ấy, dù chân bị thương Đáng cũng cố lê lết từng bước để trốn khỏi chiến trường.
Lần thứ hai đào ngũ này Đáng đã không còn ai nâng đỡ bởi đại úy Hoàng Thọ Nhu đã được điều động ra chiến trường Bình Gĩa tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Yếu thế, Đáng biết miền Tây không thể sống được nữa nên thu đám đàn em thân cận trốn về Sài thành.
Mã "Khánh Hội", thủ lĩnh băng thủy quân lục chiến vẫn ôm mối hận bị phi đao mù mắt nên khi biết tin Đáng trốn về đây đã tìm cách trả thù. Và rồi, không hiểu bằng cách nào, Mã "Khánh Hội" đã đẩy Đáng vào tù.
Ông Đáng kể, bị bắt, ông bị giam ở khám Chí Hòa, cùng khu giam giữ với Đại Cathay . Và cũng từ đây, ông bước vào cuộc chiến dai dẳng với tứ đại thiên vương của giang hồ Sài Gòn.
(Còn nữa)