Tôi vẫn nhớ như in cái ngày giáp Tết hơn một năm rưỡi về trước, ngày 22/1/2017. Có hai cô gái tình cờ gặp lại nhau trong căn nhà nhỏ của Huyền Trang. Cô gái còn lại là Nguyễn Thị Nụ. Cùng sinh năm 1985, họ từng học chung lớp 16 năm về trước. Ngày ấy, họ đều mới có 16 tuổi, và đều là những vận động viên trẻ đầy tiềm năng của thể thao Việt Nam.
Mười sáu năm sau, ngày gặp lại, Nụ và Trang chỉ lờ mờ nhận ra nhau khi chạm mặt, bởi ngày gặp lại, họ đều đang ở trong hoàn cảnh rất đỗi đau lòng, dù đều từng đứng trên đỉnh cao, đem vinh quang về cho thể thao Việt Nam từ những ngày còn rất trẻ.
Ngày ấy, Nụ đến để cùng trao số tiền 10 triệu đồng cho Huyền Trang, để giúp đỡ cô hoa khôi một thời của đá cầu Việt Nam chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác đang chực chờ cướp cô đi khỏi vòng tay của những người thân yêu. Số tiền ấy là phần quyên góp từ những tâm lòng hảo tâm để mổ chân cho Nụ. Mổ xong, còn thừa ra 50 triệu đồng, ban tổ chức và Nụ quyết định chia làm 5 phần để giúp những trường hợp khó khăn hơn có một cái Tết đỡ vất vả phần nào.
Nguyễn Thị Nụ (trái) và Nguyễn Thị Huyền Trang (phải).
Ngày gặp lại, Nụ mang theo nỗi buồn bị hắt hủi khỏi ngành thể thao, phải đi cắt cỏ, không được làm chuyên môn, để rồi phải bỏ ngành về nhà với mẹ, với cái đầu gối mang theo thương tật vĩnh viễn. Có những lúc, Nguyễn Thị Nụ đã từng phải cay đắng thốt lên: "Tôi đã có một tuổi trẻ không nên có, phải không?". Tuổi trẻ của Nụ, tài năng ngày ấy của cô chỉ còn lại những vết mổ sâu hoắm trên đầu gối.
Ngày gặp lại, Huyền Trang bảo: "Tết này, em mất Tết", bởi chỉ vài ngày nữa - 28 Tết, cô sẽ phải nhập viện để xạ trị. Huyền Trang nói với vẻ mặt tươi cười như không có chuyện gì, nhưng những người nghe đều chẳng thể không rơm rớm nước mắt.
Hôm ấy, từ nhà Huyền Trang về, tôi và Nụ ngồi với nhau đến tận khuya.
Hai năm trước, trên trang Facebook của mình, Nguyễn Hoài Nam - một trong những người bạn tích cực kêu gọi giúp đỡ Huyền Trang, viết những dòng mà người đọc sẽ nhớ mãi:
"Tôi là người mạnh mẽ, và quyết liệt, tôi nói thật đấy các anh chị, nên tối nay tôi phi xe sang nhà cô, để nhìn thấy và ghi lại hình ảnh một cô gái yếu ớt, than thân trách phận, giận đời hận người, và mong mỏi sự cứu trợ của cộng đồng, để anh chị em thấy rằng đã thương đúng người, giúp đúng người và sẽ cứu giúp cô ấy tiếp.
Tôi đã sai, vì cô ấy:
Cố nhoài người dậy dù hơi khó nhọc khi tôi đến, và cho tôi biết rằng chỉ vừa ngả lưng tý cho đỡ mỏi.
Chỉnh lại cái mũ vải che đi mái tóc bị cắt cụt lủn, tươi cười nói rằng em có sao đâu, cảm ơn tất cả, mọi người giúp đỡ làm em ngại quá, lại bắt tội anh sang tận đây.
Nói rằng vui vì được nhiều bạn lâu ngày không gặp đến hỏi thăm, lại được nhiều người lạ giúp đỡ, lại có cả chú Bích Thắng ở Tổng cục gửi quà thăm hỏi.
Và đoạn hội thoại ngắn:
Lúc thi đấu đỉnh cao, em có nghĩ có ngày mình "ốm" thế này không?
- Không anh ơi, được chơi cho thỏa đam mê là sướng rồi, nghĩ gì?
Thế động lực nào để phấn đấu giành chức vô địch thế giới?
- Động lực gì đâu anh, chỉ thích được như các anh chị được khoác cờ Tổ quốc, đặt tay lên ngực hát "Đoàn quân Việt Nam đi..." lúc trao giải thôi.
Thế em có buồn khi không được nhiều sự quan tâm lúc giải nghệ không?
- Hơi buồn chút thôi, anh, vì vận động viên giải nghệ về nó nhạt lắm, ai mà nhớ. Ấy thế mà hôm nay các chú ở Tổng cục đến thăm và cho quà là quý rồi.
Giờ em mong gì nhất?
- Em thèm chơi một trận cầu thật đã, có đông khán giả anh ạ.
Chân em còn chưa nhấc được lên kia mà?
- Nhấc được này... đoạn Trang lấy hai tay nắm lấy hai gấu quần dài xắn tới đùi kéo mạnh lên, hai chân nhấc nhẹ lên khỏi mặt đất khoảng 10cm. Cô cười, như bệnh tật chưa bao giờ qua đây...
Tôi thề là lúc đấy tôi không khóc, các anh chị ạ, vì tôi là người mạnh mẽ, tôi đang đi thăm một cô gái bệnh tật mà..."
Hai năm sau, lại là Nguyễn Hoài Nam - admin của VietGoal, viết chỉ một ngày trước khi Huyền Trang ra đi mãi mãi, viết trong một status chia sẻ, kêu gọi mọi người thêm lần nữa giúp Trang vượt qua bạo bệnh:
"Cô gái vàng của tôi hai năm trước, giờ nhoẻn miệng cười với tôi trong cơn đau đớn. "Em giờ nghiện công khai rồi anh ạ, sợ tắm, sợ ánh sáng, 6 tiếng tiêm mooc phin một lần, phê lắm".
Bắp chân, bắp tay em đầy vết thâm tím do tiêm, tím tím, đen đen, tròn tròn như những tấm huy chương em từng đeo.
Tôi đã nán lại rất lâu với cô trong viện, chẳng để nói chuyện gì cả, mà vì có thể tôi sợ có thể đó là lần cuối tôi gặp cô. Rồi y tá đến, đem theo ống mooc phin thần thánh để giúp cô chìm vào cơn phê, tạm quên đi cái đau đang hành hạ".
Quả thật, đấy là lần cuối cùng Hoài Nam gặp Huyền Trang, bởi chỉ sáng ngày hôm sau thôi, cô gái bé nhỏ mà kiên cường ấy đã rời xa người thân, rời xa bạn bè mãi mãi. Anh còn may mắn, bởi người viết năm lần bảy lượt hẹn hò, để được ngồi cùng nhau, nghe cô gái nhỏ luôn tươi cười ấy ríu rít chuyện trò, kể về những ngày cũ vinh quang, nhưng rốt cuộc đều nhỡ nhàng.
Là bởi vì dù cho "em là tỷ phú thời gian mà" như cô vẫn nói, nhưng cô gái ấy vẫn dành quỹ thời gian còn lại ít ỏi của mình để tung tăng khắp Việt Nam, để mọi người luôn nhìn thấy nụ cười trên môi mình, để dành thời gian cho hai đứa con nhỏ - một trai, một gái, để không ai được thấy một Huyền Trang ủ dột vì bệnh tật, để sống một tuổi thanh xuân đáng sống, có tuổi trẻ nên có.
Nguyễn Thị Nụ - cô gái vàng ngày nào của điền kinh Việt Nam hẳn đã có những ngày tuyệt vọng vì chấn thương, vì sự ruồng rẫy, là cái ngày mà cô phải cay đắng thốt lên: "Tôi đã có một tuổi trẻ không nên có, phải không?". Không Nụ ơi, em và Trang đã có một tuổi trẻ nên có, một tuổi trẻ cháy hết mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc, cho thể thao nước nhà.
Và trên đường chạy, trên sân đấu, trên sàn đấu cuộc đời, đôi khi tấm huy chương vàng tuột khỏi tầm tay, đôi khi phải chịu thua một trận cầu, phải đầu hàng trước bệnh tật, nhưng ý chí của một vận động viên để chiến đấu trước nghịch cảnh là điều sẽ làm cho tuổi trẻ ấy ý nghĩa hơn bao giờ hết, và thanh xuân ấy sẽ không bao giờ uổng phí, phải không em?