Theo hãng tin Al Jazeera (Qatar), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra những bình luận này trong một bài phát biểu tại bang Arizona (Mỹ) hôm 22/12, chỉ vài ngày sau khi tỷ phú sở hữu Tesla và ông Trump lần lượt lên tiếng phản đối một dự luật ngân sách được đám phán tại Quốc hội Mỹ.
Theo Al Jazeera, đây là sự vụ mới nhất mà tỷ phú Musk đóng một vai trò lớn bất thường trong chính quyền tương lai của ông Trump, khiến cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chỉ trích.
Lần đầu tiên trực tiếp phân trần về những lời chỉ trích đó, ông Trump hôm 22/12 đã khen ngợi tỷ phú Musk, trước khi nói thêm: "Và không, ông ấy sẽ không đảm nhiệm chức tổng thống."
Ông Trump còn gọi lời mỉa mai rằng ông đã "nhường lại chức tổng thống cho Elon Musk" là một "trò lừa bịp" khác do các đối thủ chính trị của ông đưa ra.
Trong một câu nói đùa sau đó, ông Trump lưu ý rằng ông Musk không thể nhậm chức tổng thống vì sẽ bị cấm theo hiến pháp Mỹ.
"Các bạn có biết tại sao ông ấy [Musk] không thể trở thành [tổng thống] không?" ông Trump hỏi đám đông ở Arizona. "Ông ấy không sinh ra ở đất nước này [Mỹ]."
Người giàu nhất thế giới Musk sinh ra ở Nam Phi. Ông là một trong những người ủng hộ lớn nhất cho ứng cử viên Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, đã “bơm” khoảng 200 triệu USD vào Ủy ban Hành động Chính trị (PAC) ủng hộ ông Trump.
Sau khi ông Trump đắc cử, Musk đã được chỉ định để lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) dự kiến được thành lập dưới chính quyền tương lai của ông Trump, có nhiệm vụ cắt giảm chi tiêu của chính phủ liên bang.
Theo Al Jazeera, DOGE được coi là một ban cố vấn độc lập, không phải là một cơ quan chính thức của chính phủ và quyền hạn của DOGE vẫn chưa được xác định.
Can thiệp vào thỏa thuận ngân sách
Al Jazeera đưa tin, phát biểu của ông Trump được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden ký duyệt một dự luật nhằm ngăn chặn việc chính phủ Mỹ đóng cửa.
Dự luật trước đó đã được các thành viên lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đồng thuận nhưng đã phải rút lại chỉnh sửa khi ông Trump lên tiếng phản đối về việc không nâng trần nợ công - một cuộc chiến chính trị mà ông Trump hy vọng sẽ tránh được trước khi nhậm chức vào tháng 1 tới. Trần nợ công là giới hạn do Quốc hội Mỹ áp đặt về số tiền mà chính phủ có thể vay để bù đắp chênh lệch thu - chi.
Trước đó, trên mạng xã hội X, tỷ phú Musk cũng đã lên tiếng phản đối dự luật này.
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau đó đã nói với giới truyền thông Mỹ rằng ông đã trao đổi qua điện thoại với cả hai ông Trump và Musk khi một dự luật mới được đàm phán lại.
Đến ngày 20/12, chỉ vài giờ trước hạn đóng cửa chính phủ Mỹ (nửa đêm 20/12 theo giờ Mỹ), Hạ viện đã thông qua một dự luật khác không có yêu cầu về trần nợ công của Tổng thống đắc cử, với phiếu thuận của 170 đảng viên Cộng hòa.
Nhà lập pháp Cộng hòa Rich McCormick nói với CNN rằng sự can thiệp của tỷ phú Musk cho thấy "ông ấy có ảnh hưởng và sẽ gây áp lực buộc chúng tôi phải làm bất cứ điều gì ông ấy cho là đúng đắn đối với mình".
Dân biểu Cộng hòa Tony Gonzales nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CBS News (Mỹ) rằng "có vẻ như Elon Musk là thủ tướng của chúng tôi".
Trong khi đó, phát biểu trên kênh CNN, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty đã ca ngợi vai trò của ông Musk trong việc thông qua dự luật, đồng thời phản bác quan điểm cho rằng tỷ phú này đang đứng sau các quyết định của Tổng thống đắc cử Trump.
'Cực kỳ đáng báo động'
Theo Al Jazeera, ngoài thỏa thuận ngân sách, sự hiện diện thường xuyên của ông Musk bên cạnh Tổng thống đắc cử Trump trước khi ông nhậm chức vào ngày 20/1/2025 đã khiến nhiều đảng viên Dân chủ cảm thấy bất an trong thời gian qua.
Tỷ phú này đã tham gia cuộc gọi khi ông Trump trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử. Musk cũng đã có mặt trong các cuộc gặp gần đây của ông Trump với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni tại New York.
Theo tờ The Hill (Mỹ), sau các cuộc đàm phán về ngân sách tuần trước, một số đảng viên Dân chủ đã cáo buộc ông Musk can thiệp để đạt được lợi ích riêng của mình. Trong dự luật ban đầu có một điều khoản lưỡng đảng nhằm hạn chế và sàng lọc các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.
Là CEO và cổ đông lớn nhất của Tesla, tỷ phú Musk có mối quan hệ kinh doanh rộng rãi với Trung Quốc.
Dân biểu Rosa DeLauro cho rằng hoạt động của Tesla tại Trung Quốc là lý do khiến ông Musk phản đối dự luật hạn chế đầu tư vào nước này.
"Cực kỳ đáng báo động khi các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện, theo sự thúc giục của một tỷ phú chưa được bầu, đã hủy bỏ một thỏa thuận ngân sách được đàm phán lưỡng đảng, lưỡng viện, bao gồm điều khoản quan trọng này để bảo vệ việc làm và năng lực quan trọng của người Mỹ", bà DeLauro viết trong một lá thư gửi đến các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ hôm 20/12.
Theo trang Daily Beast (Mỹ), khi ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ đề cập đến cụm từ "Tổng thống Musk", tỷ Elon Musk ban đầu im lặng, nhưng sau đó đã lên tiếng phản pháo.
"Đây là thuyết âm mưu của truyền thông và phe cánh tả", ông Musk viết trên X hôm 20/12. "Những con rối chính trị và truyền thông truyền thống đã nhận được chỉ thị vào hôm qua. Họ đang nhại lại cùng một thông điệp."
Tỷ phú này còn tán thành một bình luận khác trên mạng xã hội X rằng những lời mỉa mai về "tổng thống ngầm" từ phe Dân chủ là nhằm "gây chia rẽ giữa ông Trump và ông Elon, làm suy yếu cả hai người họ". Musk tuyên bố kế hoạch đó "chắc chắn thất bại".