Có thể coi tâm trạng của mỗi cá nhân là một nguồn năng lượng lan tỏa ở nơi làm việc.
Giả sử, khi sếp bước tới văn phòng với nét mặt căng thẳng, không ngừng tuôn ra những lời chỉ trích sẽ khiến tất cả nhân viên cảm thấy nặng nề và ngột ngạt. Ngay lập tức, không khí tiêu cực đó sẽ làm giảm chất lượng và tốc độ xử lý công việc chung của nhân sự.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định: Căng thẳng, áp lực kéo dài là nguyên nhân hàng đầu làm giảm hiệu quả làm việc, đồng thời gây nên cảm giác tiêu cực và kiệt quệ tinh thần. Một nghiên cứu năm 2018 của Wrike cho thấy khoảng 94% người lao động phải đối mặt với căng thẳng liên quan đến công việc, và một phần ba trong số đó luôn cảm thấy cực kỳ áp lực.
Ngày nay, việc để ý đến cảm xúc của nhân viên và tạo ra bầu không khí làm việc dễ chịu đã trở thành nhiệm vụ tối quan trọng của nhà quản lý.
Bởi lẽ, khi nhân viên cảm nhận được sự quan tâm từ sếp, cảm nhận được sự thoải mái trong môi trường làm việc mà mọi người tạo ra, họ sẽ chủ động nắm bắt được nhiều cơ hội, chủ động làm việc chăm chỉ hơn, sáng tạo nhiều hơn.
Không dừng lại ở đó, họ còn có cảm hứng để chia sẻ ý tưởng với đồng nghiệp và cống hiến cho sự thành công chung của công ty.
Vốn dĩ áp lực từ công việc đã quá mệt mỏi, cớ chi còn nuôi dưỡng thêm không khí căng thẳng?
Dưới đây là 3 gợi ý giúp bạn tạo ra hiệu quả năng suất công việc trong khi vẫn giữ được không khí văn phòng nhẹ nhàng, ít áp lực:
Thực hiện những khảo sát phù hợp và liên tục về tâm lý làm việc
Apple, Microsoft, Etsy hay Airbnb đều sử dụng "pulse surveys" hay còn gọi là"khảo sát cảm xúc nhịp tim" để hiểu được thể trạng và tâm lý của nhân viên.
Những khảo sát này cho phép các công ty đo lường được mức độ tham gia và hiểu biết sâu sắc về sức khỏe từng cá nhân.
Khác với khảo sát truyền thống, "pulse surveys" được thực hiện an toàn, bảo mật qua internet và được cải tiến liên tục, đó không phải chuỗi những câu hỏi phức tạp, mà là chọn những câu hỏi đơn giản xoay quanh nhiều khía cạnh, chẳng hạn như hạnh phúc, động lực, khối lượng công việc, hay sự cân bằng. Để có kết quả tốt nhất bạn nên thực hiện khảo sát thường xuyên (hàng tuần, hoặc cứ sau vài tuần).
Những khảo sát như vậy thường đem lại các lợi ích sau:
- Cải thiện sức khỏe & tinh thần nhân viên
- Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích cực
- Tăng cường sự tham gia, tương tác và gắn kết giữa cá nhân và tổ chức
- Gia tăng động lực và sự thấu hiểu giữa các nhân viên
Những ý tưởng tuyệt vời sẽ xuất hiện khi tinh thần được thảnh thơi, thư giãn. Nhân viên của bạn sẽ nghĩ đến các khía cạnh tích cực của công việc, mặc cho nó khó khăn đến mấy, và có thể đi đến các giải pháp cực kỳ sáng tạo.
Quan tâm đến chỉ số EQ - trí tuệ cảm xúc của nhân viên
John Mackey, CEO của Whole Food luôn tìm kiếm những người có trí tuệ cảm xúc cao cho đội nhóm của mình. Ông cho rằng đó là nhiệm vụ quan trọng bên cạnh việc quản lý, điều hành doanh nghiệp.
John Mackey, CEO của Whole Food
John tin rằng những người có độ nhạy EQ cao sẽ nhanh chóng nắm bắt và điều chỉnh được không khí chung của phòng đồng thời sẽ quản lý tốt các mối quan hệ cá nhân. Họ nghiêm túc trong công việc nhưng cũng rất thoải mái, linh hoạt khi tìm cách cải thiện các yếu tố thuộc về cảm xúc.
EQ cao giúp các cá nhân có sự phản ứng nhanh nhạy với mức độ căng thẳng phát sinh (từ nhẹ cho đến ngưỡng nguy hiểm). Điểm độc đáo ở chỗ, họ nhận ra trạng thái cảm xúc này và có thể điều chỉnh tâm trạng ngay cả khi chính họ không phải nguyên nhân gây ra căng thẳng.
Duy trì năng lượng tích cực bằng cách loại bỏ văn hóa chỉ trích, đổ lỗi
Hãy nhìn vào đội bóng rổ Golden State Warriors, bạn sẽ thấy Steph Curry luôn duy trì sự vui vẻ và vô tư trong các trận đấu của anh ấy. Khi anh ấy có thể mang năng lượng vui vẻ vào sân, sự tích cực sẽ được lan truyền sang toàn đội.
Siêu sao bóng rổ Steph Curry
Nếu trước mỗi cuộc họp, bạn cố gắng thể hiện sự nhẹ nhàng, thoải mái làm dịu đi áp lực của các thành viên, đổi lại, bạn sẽ nhận được sự hợp tác và thiện chí của cả nhóm.
Lần tới, hãy thử sắp xếp một số trò vui vẻ, hóm hỉnh, hoặc một câu chuyện cười để phá vỡ mọi căng thẳng mà mọi người có thể cảm nhận được. Khi bước vào đàm phán cũng vậy, căng thẳng sẽ chỉ làm kích động sự hiếu chiến của cái tôi cá nhân mà thôi. Cuộc đàm phán không áp lực ngay từ đầu, nhưng trao đổi sẽ hiệu quả và thành công hơn bạn mong đợi.
(Tổng hợp)