Một số chuyên gia Mỹ nhận định, những hành động bạo lực của chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rất có thể là do ông này sợ đất nước biến thành con cờ để chống Trung Quốc của Mỹ.
Ông Gerald Horne, nhà sử học người Mỹ và ông Brian Becker, một chuyên gia chính trị nổi tiếng, mới đây đã nói với hãng RT rằng, ông Duterte đang lo ngại \ Mỹ, nước đã từng xâm chiếm Philippines trong quá khứ, sẽ gây sức ép với Philippines để chống lại Trung Quốc.
Điều này đã dẫn đến những phát biểu gây hấn của Tổng thống Philippines đối với các nguyên thủ quốc gia (trong đó có Mỹ), đồng thời dọa sẽ rời Liên Hợp Quốc sau khi ông khởi động chiến dịch càn quét những tội phạm buôn bán ma túy ở quốc gia này bằng vũ lực.
"Hậu quả gì? Tôi chẳng quan tâm đến những gì Liên Hợp Quốc nói. Bọn họ đang can thiệp vào vấn đề nội bộ Philippines", ông Duterte nói.
“Ông Duterte lo ngại Washington, trong lịch sử đã đô hộ Philippines, có thể sẽ biến Manila thành một vũ khí để chống lại Trung Quốc sau khi phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế không công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đó là lý do những phát biểu của ông Duterte sử dụng những ngôn từ thái quá”, ông Horne cho biết.
Giống như ông Horne, ông Becker cũng tin rằng yếu tố lịch sử là nguyên nhân khiến ông Duterte chỉ trích Mỹ, nay là một trong những đồng minh quan trọng của nước này.
“Những phát ngôn của ông Duterte là lời của một người đang yêu cầu những cường quốc có ảnh hưởng lớn trong Liên Hợp Quốc đừng áp đặt mệnh lệnh đối với Philippines”, ông Becker nói.
Chuyên gia này cũng nói thêm rằng ông Duterte còn đang đàm phán với các lực lượng vũ trang theo tư tưởng Cộng sản ở Philippines để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 thập kỷ, một dấu hiệu nữa cho thấy Tổng thống Philippines “đang cố thoát khỏi sự bức chế của Mỹ”.
Khi được hỏi về phản ứng của Mỹ đối với Philippines trong tương lai, ông Horne cho rằng Washington sẽ không có bất kỳ động thái nào đáng chú ý.
“Washington có nhiều căn cứ quân sự quan trọng ở Philippines, và họ coi Philippines là một tiền đồn để đối phó với Trung Quốc trong thế kỷ 21. Vì vậy họ muốn đảm bảo quan hệ tốt đẹp với Manila”, ông Horne nhận định.
“Vài ngày trước ông Duterte đã công bố một danh sách cáo buộc nhiều quan cức cấp cao Philippines tham gia vào hoạt động buôn bán ma túy.
Đây là hành vi vi phạm quyền tự bảo vệ mình của các nghi phạm. Thế nhưng Mỹ lại không có bất kỳ phát biểu nào về sự kiện này, có thể thấy rằng Mỹ coi Philippines là một mắt xích quan trọng trong chiến lược của mình”, ông Horne kết luận.
Ông Becker cũng có quan điểm tương tự.
“Chính quyền Obama đang không biết phải làm gì với Duterte. Ông ta không phải là một nguyên thủ quốc gia đơn thuần, mà là một nhân vật có hành động rất khó lường.
Không chỉ dọa rút khỏi Liên Hợp Quốc, ông ta cũng phản đối chính sách của Mỹ ở Trung Đông.
Ông ta không muốn các nước phải bảo mình làm gì, trong khi đó phần lớn những người chết đều là những người nghèo, hoặc chỉ là những tên tội phạm nhỏ lẻ”, chuyên gia người Mỹ nói.
Trong khi đó, ông Duterte khẳng định sẽ còn tiếp tục mạnh tay hơn nữa trong chiến dịch truy quét tội phạm buôn bán ma túy.
Theo thống kế của cảnh sát, đã có hơn 1.900 người bị cảnh sát bắn chết trong cuộc càn quét này kể từ khi ông Duterte lên nhậm chức vào tháng 6 vừa qua.
“Cuộc chiến này sẽ tiếp tục cho đến ngày cuối cùng làm Tổng thống của tôi”, ông Duterte phát biểu.
“Nó có thể sẽ kéo dài trong 6 năm tới... Nhiều người sẽ không hài lòng, nhưng những hoạt động này là vì đất nước của tôi”.
Giám đốc Sở Cảnh sát Trung ương Philippines Ronald Dela Rosa cho biết đã có 700 kẻ buôn bán và tiêu thụ ma túy bị cảnh sát tiêu diệt kể từ ngày 1/7 đến nay.
Ngoài ra, có đến 300 sĩ quan cảnh sát cũng bị nghi ngờ liên quan đến các hoạt động tội phạm, và sẽ bị đưa ra trước tòa xét xử trong tương lai.
Ông Dela Rosa khẳng dịnh rằng cảnh sát “đang làm theo đúng luật pháp”, và đến nay đã có khoảng 675.000 người sử dụng ma túy ra đầu thú.
“Khi tôi ra hiện trường, người dân cầm tay và nói lời cảm ơn với tôi. Họ hài lòng với những gì mà cảnh sát đang làm”, ông Dela Rosa nói.
Vào ngày 22/8, nhiều nhân chứng đã có mặt tại Quốc hội Philippines để làm chứng cho những hậu quả nghiêm trọng về người của chiến dịch truy quét của chính quyền Duterte.
Họ cáo buộc cảnh sát đã giết hại những người chồng và con trai của mình. Tổng thống Duterte nhiều lần nói rằng việc giết hại các nghi can là hoàn toàn hợp pháp nếu cảnh sát có ý định tự vệ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói rằng, Mỹ và Liên minh Châu Âu cần phải “gây sức ép với ông Duterte, rằng những hành động bạo lực trên là không thể chấp nhận được và sẽ khiến Philippines phải chịu hậu quả nặng nề về ngoại giao và kinh tế. Nếu không, cuộc tàn sát này sẽ không chấm dứt”.