Đường sắt tốc độ cao hàng chục tỷ đô ở Việt Nam có sức hút với nhiều đơn vị hàng đầu Trung Quốc

Thái Hà |

Nhiều đơn vị hùng hậu ở Trung Quốc bày tỏ mong muốn được tham gia làm đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam- Trung Quốc ở các lĩnh vực trọng điểm

Chiều 13/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tham dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lý Cường. Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu của hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tham dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Với chủ đề "Tăng cường hợp tác cùng có lợi, chung tay kiến tạo tương lai", lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng tiêu biểu của hai nước dự tọa đàm đã giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, các cơ hội hợp tác nổi bật thời gian tới, tập trung vào 4 lĩnh vực: Phát triển hạ tầng, kết nối giao thông, nhất là đường sắt; năng lượng xanh; kinh tế số; tài chính-ngân hàng.

Tại tọa đàm, một số doanh nghiệp Trung Quốc cho biết với kinh nghiệm, năng lực đã được khẳng định, họ mong muốn tham gia các dự án hạ tầng của Việt Nam. Ví dụ các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Họ cũng muốn hợp tác xây dựng thành phố thông minh, trung tâm dữ liệu, phát triển thương mại điện tử... cùng Việt Nam phát triển xanh, bền vững, TTXVN đưa tin.

Các doanh nghiệp chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng theo TTXVN, về phía các doanh nghiệp Việt Nam thì đề nghị Chính phủ hai nước tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy kết nối doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực Trung Quốc có kinh nghiệm, tiềm lực và Việt Nam có nhu cầu. Hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về tài chính, khoa học công nghệ, khoa học quản lý trong phát triển hạ tầng, trong đó có các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc; tài trợ vốn và kết nối trong thanh toán; phát triển mạng 5G, cơ sở hạ tầng số, trí tuệ nhân tạo, kết nối hệ thống thương mại hai nước; hợp tác phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, Hydrogen…

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam đã góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

Thời gian tới, Chính phủ hai nước cần phải thúc đẩy hơn nữa: Kết nối về thể chế; kết nối về hạ tầng chiến lược; kết nối về quản trị thông minh và chuyển giao công nghệ; kết nối về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; kết nối về vốn, tập trung vào các ngành nghề mới nổi; kết nối về thanh toán, nhất là hợp tác thanh toán bằng đồng bản tệ; kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị…

"Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp chủ động, tích cực kết nối, hợp tác với nhau trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước", Báo điện tử Chính phủ trích lời Thủ tướng nói.

Đánh giá cao phát biểu, ý tưởng hợp tác của các doanh nghiệp tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các doanh nghiệp đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại hiệu quả, cân đong, đo đếm được.

Về phần mình, Thủ tướng Lý Cường bày tỏ hết sức tâm đắc, được động viên, khuyến khích với ý kiến phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông hoàn toàn nhất trí về sự ủng hộ mạnh mẽ của hai Chính phủ đối với doanh nghiệp hai nước. Ông cũng cho biết Chính phủ Trung Quốc và các bộ, ngành sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến tại tọa đàm để doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực.

Thời gian tới, Thủ tướng Trung Quốc đề nghị hai bên tiếp tục quan tâm các phương diện trọng điểm trong hợp tác kinh tế, cụ thể là tiếp tục kết nối chiến lược phát triển; kết nối liên thông giữa hai nước, tích cực kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy đi lại, giao lưu nhân dân...

Báo điện tử Chính phủ dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc bày tỏ mong muốn doanh nghiệp hai nước hợp tác thúc đẩy phát triển hài hòa các ngành công nghiệp xuất phát từ đặc điểm doanh nghiệp mình. Phía Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường kết nối với phía Việt Nam, xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất xuyên biên giới ổn định và thông suốt.

Ông Lý Cường tin rằng với sự nỗ lực chung của các doanh nghiệp hai nước, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc chắc chắn sẽ giành được những thành quả mới to lớn hơn nữa và tương lai của hai nước chắc chắn sẽ ngày càng tươi đẹp.

Đơn vị nào của Trung Quốc quan tâm tới dự án đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam?

Việt Nam đang lên kế hoạch đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tốc độ thiết kế 350 km một giờ, đi qua 20 tỉnh, thành với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 67,3 tỷ USD.

Tuyến đường này chủ yếu vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dự kiến hai đoạn đường sắt tốc độ cao sẽ được khởi công vào cuối 2027.

Với sức hút đặc biệt, dự án Đường sắt tốc độ cao ở Viêt Nam thời gian qua nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị hùng hậu về xây dựng hạ tầng, phát triển giao thông, công nghệ trên thế giới, trong số đó có nhiều Tập đoàn lớn của Trung Quốc bày tỏ sự mong muốn được tham gia, hợp tác thông qua các buổi làm việc với Chính Phủ và Bộ GTVT.

Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC)

Chiều 28/8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp xã giao ông Wang Hai Huai, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC).

Tại buổi tiếp, lãnh đạo CCCC cho biết Tập đoàn đang theo sát các dự án giao thông quan trọng của Việt Nam kết nối với những địa phương của Trung Quốc - Việt Nam, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các tuyến Metro ở Hà Nội và TPHCM… Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng sẵn sàng thực hiện các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi, với những công nghệ tiên tiến nhất.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị CCCC chủ động nghiên cứu, tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng ưu tiên của Việt Nam. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị CCCC chủ động nghiên cứu, tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng ưu tiên của Việt Nam, nhất là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, các tuyến đường sắt khổ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, kết nối nền kinh tế của Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc và giữa Việt Nam với một số quốc gia khác.

Tập đoàn CCCC hiện có hơn 193 chi nhánh, văn phòng đại diện và hoạt động ở hơn 150 quốc gia, khu vực trên thế giới, với số lượng nhân viên trên toàn cầu lên đến hơn 120.000 người. Tập đoàn hiện có hơn 60 công ty con, đây đều là những công ty lớn, đóng vai trò cốt cốt, chủ lực về sức mạnh xây dựng hệ thống giao thông của Trung Quốc.

Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC)

Chiều 25/6, tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC) - nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển hệ thống đường sắt là chiến lược lớn nhất của Việt Nam hiện nay; mong muốn phát triển hệ thống đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao dài hơn 1.500 km.

Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Việt Nam quyết tâm triển khai trong giai đoạn 2026 – 2027. Do đó, Việt Nam mong hợp tác với Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt, toa xe và tín hiệu. Ông hy vọng thời gian tới hai bên có trao đổi, hợp tác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Lâu Tề Lương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc (CRSC). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lãnh đạo Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc khẳng định mong muốn có cơ hội hợp tác, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đường sắt an toàn, chất lượng với công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ và giá thành cạnh tranh cho Việt Nam.

Tập đoàn cũng sẵn sàng tham gia đầu tư với hình thức phù hợp, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hợp tác nghiên cứu và phát triển; trao đổi với các đối tác Việt Nam để triển khai các dự án, chương trình hợp tác cụ thể về đường sắt, góp phần thiết thực triển khai nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc - CRSC là doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước Trung Quốc (SASAC), là nhà cung cấp hệ thống điều khiển vận tải đường sắt lớn nhất thế giới và chiếm tỷ trọng lớn tại Trung Quốc.

Với hoạt động mạnh mẽ tại hơn 20 quốc gia và khu vực, doanh thu của Tập đoàn năm 2023 đạt hơn 37 tỷ NDT (~129,7 nghìn tỷ VNĐ) và lợi nhuận tương ứng đạt 4,7 tỷ NDT (~16 nghìn tỷ VNĐ).

Tập đoàn công nghệ Giai Đô

Hồi tháng 7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Công ty hữu hạn CP Tập đoàn công nghệ Giai Đô (Trung Quốc) về khả năng hợp tác lĩnh vực giao thông vận tải.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Việt Nam định hướng phát triển mạng lưới đường sắt đến năm 2030 là 16 tuyến với tổng lý trình là 4.802km; đến năm 2050 là 25 tuyến với tổng lý trình là 6.354km. Đồng thời đang chuẩn bị thủ tục để có thể đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; trong đó ưu tiên xây dựng trước hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang.

Cùng đó là các tuyến đường sắt kết nối như đường sắt từ sân bay Long Thành về Thủ Thiêm (TP.HCM), đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu... Các tuyến này đang nhận được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc.

Tập đoàn trí tuệ nhân tạo hàng đầu Trung Quốc Giai Đô đề xuất hợp tác lĩnh vực đường sắt với Việt Nam. Ảnh: Bộ GTVT

“Với định hướng phát triển như vậy, tin tưởng có rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp hai nước triển khai hợp tác trong thời gian tới. Trong đó, Giai Đô với kinh nghiệm, năng lực trong quản lý đầu tư, quản lý vận hành đường sắt sẽ có nhiều cơ hội hợp tác tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định.

Tại buổi tiếp, ông Lưu Vỹ cho biết: "Qua các chuyến thăm, công tác tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy việc đầu tư, phát triển đường sắt tại Việt Nam rất giống Trung Quốc trước đây. Những vấn đề mà Việt Nam gặp phải trong tổ chức xây dựng, mô hình vốn... cũng là những vấn đề Trung Quốc gặp, phải xử lý. Nay Trung Quốc đã dẫn đầu về kĩ thuật cốt lõi, vận hành đường sắt đô thị. Chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sâu rộng hơn tại Việt Nam ở nhiều lĩnh vực từ xây dựng hạ tầng, thiết bị, vận hành..."

Được thành lập vào năm 1992, đến nay, Tập đoàn Giai Đô đã nhận được hơn 2.000 bằng sáng chế phát minh quốc gia và bản quyền phần mềm. Trong đó, lĩnh vực đường sắt, Giai Đô tập trung vào cơ sở hạ tầng thiết bị bảo trì và vận hành các tuyến đường sắt.

Giai Đô là doanh nghiệp chủ chốt trong chuỗi ngành công nghiệp trọng điểm thuộc cụm ngành chiến lược đầu tiên của tỉnh Quảng Đông, cũng là chủ chuỗi công nghiệp về giao thông đường sắt và trí tuệ nhân tạo của thành phố Quảng Châu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại