Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là ưu tiên hàng đầu
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban với nhiều nội dung quan trọng.
Kết luận khẳng định quan điểm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Phát triển đường sắt tốc độ cao phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục “xương sống” theo kết luận của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT huy động các chuyên gia (kể cả chuyên gia quốc tế nếu cần thiết) về kỹ thuật, kinh tế; tổ chức các hội nghị chuyên đề để góp ý hoàn thiện đề án.
Đồng thời, làm rõ hiệu quả đầu tư, tính khả thi và các giải pháp về: Nguồn lực; chính sách, pháp luật phát triển đường sắt tốc độ cao; phát triển công nghiệp đường sắt; đào tạo nguồn nhân lực; cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, nhận chuyển giao, từng bước làm chủ công nghệ...
Tuy vậy, việc lựa chọn kịch bản đầu tư cần bảo đảm khai thác với tốc độ cao, hiện đại, đồng bộ trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu vận tải, yêu cầu thị trường, mức độ an toàn, khả năng tái cơ cấu vận tải, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, hiện trạng hệ thống đường sắt, so sánh vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác...
Các bộ ngành cũng cần nghiên cứu phương án sửa đổi Luật Đường sắt trong đó có cơ chế thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao hoặc nghị quyết riêng của Quốc hội về đường sắt tốc độ cao.
Về mô hình quản lý và tổ chức khai thác, không nên thành lập tổ chức mới mà tận dụng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tái cơ cấu, hình thành doanh nghiệp Nhà nước có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu.
Ảnh minh họa. Nguồn: High-Speed Rail Authority
Tốc độ thiết kế nên là 250km/h hay 350km/h?
Trước đó, kết luận trong tháng 5/2023 của Hội đồng thẩm định Nhà nước về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ ra rằng, dự án chỉ bảo đảm tính khả thi, hiệu quả về kinh tế và không lệ thuộc vào công nghệ của một nước nào đó khi được xây dựng với tốc độ thiết kế 250km/h, tốc độ khai thác 225km/h, khai thác hỗn hợp chở khách và chở hàng.
Về lựa chọn tốc độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem lại các vấn đề như hiện nay chỉ những nước làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao mới chọn phát triển dự án có tốc độ chạy tàu trên 300km/h, trong khi đường sắt Việt Nam đang lạc hậu cả về công nghệ và dịch vụ vận tải.
Cho ý kiến về đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trả lời báo VnExpress rằng đường sắt tốc độ 250 km/h cho phép chạy hỗn hợp cả tàu khách và tàu hàng sẽ tăng năng lực vận tải của ngành đường sắt trong tương lai, khắc phục bất cập hiện nay.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của đơn vị tư vấn thẩm tra dự án - liên danh tư vấn, nếu đề xuất đầu tư theo phương án tốc độ thiết kế 350km/h, chỉ chở khách sẽ không bảo đảm tính khả thi và hiệu quả kinh tế dự án.
Nếu đầu tư theo phương án có tốc độ thiết kế 250km/h, tốc độ khai thác 225km/h, kết hợp cả chở khách với chở hàng thì dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ khả thi, bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Đơn vị tư vấn cũng khuyến nghị Bộ Giao thông vận tải nên áp dụng bộ tiêu chuẩn châu Âu cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để bảo đảm các yếu tố đặc tính: phổ biến, cạnh tranh cao, kết nối thuận lợi, tích hợp với các dự án trong khu vực ASEAN, Trung Quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn: railway-technology.com
Ở góc nhìn khác, GS.TS. Bùi Xuân Phong, nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam cho Vietnamnet biết: Tại Chương 8, Luật Đường sắt quy định: Đường sắt cao tốc phải có vận tốc 350km/h.
Còn TS Phan Lê Bình - Chuyên gia giao thông cho VOV hay rằng, việc lựa chọn tốc độ nào cho đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam phải thỏa mãn được 2 tiêu chí, đó là thu hút được khách và phù hợp với đầu tư.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có chiều dài 1.508,6km, khổ đường đôi 1.435mm, với 50 ga hành khách, 20 ga hàng hóa, điểm đầu ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối ga Thủ Thiêm (TP.HCM).