Cho ý kiến thảo luận về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, so với các lĩnh vực khác thì giao thông đường sắt là chậm phát triển nhất.
Sở dĩ như vậy là do lĩnh vực đường sắt vừa là quản lý Nhà nước, vừa là đại diện quản lý chủ sở hữu, vừa kinh doanh vận tải dẫn đến bất cập không tách bạch, gây ra nhiều hệ quả.
Bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cho biết kết quả tái cơ cấu ngành đường sắt xem cái gì thực hiện được, cái gì chưa thực hiện được và phải có định hướng.
Theo bà Nga, hoạt động của doanh nghiệp về đường sắt có rất nhiều tồn tại, kết quả thanh tra vừa công bố có rất nhiều vấn đề liên quan đến quản lý tài sản của Nhà nước.
“Phải giải quyết nguyên nhân vì sao so với các lĩnh vực khác đường sắt phát triển chậm? Trên thế giới có tuyến nào còn xả thẳng vệ sinh ra đường như của Việt Nam không? Cấm đổ phế thải lên đường sắt thì có cấm đường sắt xả thải thẳng ra đường như vậy không? Cần đổi mới mang tính đột phá!”, bà Nga nói.
Bà Nga nêu vấn đề: Có phải do Luật Đường sắt 2005 có đường lối chủ trương không đúng? “Tôi cho rằng không hẳn, vì do chúng ta không triển khai thực hiện thì không thể đổ cho Luật không tốt nên đến giờ vẫn lằng nhằng giữa quản lý Nhà nước”, bà Nga nhận định.
Vấn đề thứ 2 bà Nga cho rằng cần xem xét đó là chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo bà Nga, nên đánh giá khách quan lý do để từ đó đưa ra phạm vi sửa đổi.
Đồng quan điểm với bà Lê Thị Nga, ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đặt ra câu hỏi: Trong các nguyên nhân hạn chế, yếu kém của đường sắt thời gian qua, nhất là từ khi có Luật Đường sắt 2005 đến nay thì là do Luật ban hành còn hạn chế hay do việc triển khai chưa tốt? Sau khi có Luật, đã có chiến lược, chính sách, quy hoạch, vậy có phải do chúng ta triển khai chậm hay do luật chưa hoàn chỉnh thì cần làm rõ hơn để xem luật mới khắc phục được tồn tại của luật cũ.
Kể cả việc hiệu quả đầu tư vào đường sắt so với các việc khác, hay việc kêu gọi xã hội hoá có thực sự hấp dẫn không?
“Luật phải khẳng định rõ vị trí, vai trò của ngành đường sắt trong mối quan hệ với hàng không, đường bộ, đường thuỷ. Năm 2020-2030 thì chiến lược phát triển đường sắt như thế nào?”, ông Chiến đặt câu hỏi.
Ông Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị trong chính sách phát triển đường sắt Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ phát triển đường sắt ở các tỉnh miền núi, vì ở đó hầu như chỉ có đường bộ, cần phát triển kinh tế ở các vùng này.
Trong điều kiện công nghệ và khoa học hiện nay, việc làm đường sắt lên miền núi không có gì khó khăn.
Trong khi đó, cho ý kiến về dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt câu hỏi: Vì sao chúng ta phải sửa luật? Chúng ta đều thấy giao thông đường sắt rất cần thiết và quan trọng, vậy tại sao lại chậm phát triển?
Theo ông Bình, cái gốc là nằm ở nhận thức của chúng ta. Đầu tư vào hàng không và đường bộ, vậy còn đường sắt và đường thuỷ?
“Kinh doanh của chúng ta còn thập thò lắm, phải chuyển sang kinh tế thị trường. Ta thiết kế còn chập chờn, đã bước thì bước ra cho rõ.
Ngoài quản lý Nhà nước về đường sắt phải chăng chúng ta có kinh doanh về hạ tầng đường sắt?”, ông Bình nêu quan điểm.
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, nhiều ý kiến yêu cầu đánh giá rõ những cái được, chưa được qua tổng kết Luật Đường sắt 2005 để đại biểu có đầy đủ thông tin.
Về phạm vi, luật mới phải viết khái quát hơn chứ không viết kiểu liệt kê. Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo rà soát các vấn đề liên quan đến đường lối chính sách của Đảng và những luật có liên quan để đảm bảo tính khả thi.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, Ban soạn thảo cần rà soát, định hướng cụ thể những vấn đề liên quan đường sắt đô thị đường sắt tốc độ cao; Rà soát chính sách quy hoạch về đầu tư kinh doanh vì nhiều chính sách chưa rõ, còn chung chung.
"Nếu tiếp thu đầy đủ các ý kiến hôm nay thì đủ điều kiện trình ra kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa 14", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chốt lại về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).