Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Hồng Mây)
Theo hồ sơ, năm 2021, Cường tính bán 1 quả thận lấy tiền trả nợ. Tìm hiểu thông tin trên nhóm “Hội bán thận” và “Hội những người muốn hiến thận”, Cường đi khám sức khoẻ tổng thể, làm các xét nghiệm để bán thận tại một bệnh viện (BV) ở Hà Nội, tình cờ gặp Phượng cũng đi bán thận.
Sau khi bán thận thành công, thấy nhiều người có nhu cầu, Cường và Phượng rủ nhau làm môi giới hưởng tiền chênh lệch. Cường tìm người bán. Phượng tìm người mua.
Từ cuối 2022 - 6/2023, Cường và Phượng nhiều lần môi giới mua, bán thận hưởng lời bất chính, trong đó đã môi giới cho Nhã. Khoảng tháng 5/2022, cần tiền chi tiêu cá nhân, Nhã truy cập “Hội nhóm những người muốn hiến thận”, thấy Phượng đăng thông tin tìm người bán thận nên kết nối. Phượng mua 1 quả thận của Nhã với giá 380 triệu đồng, hẹn gặp Nhã tại một BV để làm các xét nghiệm.
Khi có các kết quả xét nghiệm, Cường và Phượng đăng thông tin lên mạng xã hội rao bán, tìm được 1 người ở Hải Phòng (hiện không xác định được lai lịch) có các chỉ số tương thích. Hai bên thỏa thuận mua bán quả thận của Nhã với giá 825 triệu đồng.
Tháng 8/2022, ca ghép thận của Nhã được thực hiện thành công tại một BV. Cặp đôi trả cho Nhã 380 triệu đồng. Trừ các chi phí ăn ở, xét nghiệm, Cường hưởng lợi 175 triệu đồng, Phượng 70 triệu đồng.
Về phía Nhã, sau khi bán thận đã xin Cường và Phượng cho mình được cùng tham gia môi giới; được giao việc đưa đón những người mua bán thận đi khám, làm các xét nghiệm. Cả 3 thỏa thuận với mỗi ca ghép thành công, Cường và Phượng trả cho Nhã 10 - 50 triệu đồng.
Quá trình Nhã bán thận, một phụ nữ SN 1995 quê Vĩnh Phúc là bạn Nhã đã đến chăm sóc. Thấy Nhã cần tiền, chị này muốn… bán 1 quả thận của mình lấy tiền đưa Nhã. Cường và Phượng đồng ý mua giá 600 triệu đồng, tìm được người mua với giá 900 triệu đồng.
Theo cáo trạng, Cường và Phượng cùng thực hiện 9 vụ môi giới mua bán thận, Nhã 5 vụ. Cường hưởng lợi hơn 1,4 tỷ đồng, Phượng gần 1,1 tỷ, Nhã hơn 300 triệu đồng.
CQĐT xác định từ tháng 6/2023 đến khi bị bắt giữ, Cường và Phượng còn thỏa thuận mua thận của một số người ở Đà Nẵng, Bình Dương, Nghệ An, Bắc Kạn… Tuy nhiên, các trường hợp trên đều chỉ đang trong giai đoạn kiểm tra sức khỏe, chưa chuyển tiền cho nhau, việc mổ ghép thận chưa được thực hiện nên CQĐT không đề cập xử lý.
Với những người bán thận, người mua thận để ghép cho mình và thân nhân, theo CQĐT, đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền để trang trải cuộc sống; mắc bệnh hiểm nghèo về thận; việc mua bán thận đều trên cơ sở tự nguyện; nên CQĐT không đề cập xử lý về hành vi “Mua bán bộ phận cơ thể người”.