Ngoài chuột túi và gấu túi, Australia còn có nhiều loài thú độc đáo khác.
Loài thú nhỏ bé được mệnh danh "ác quỷ"
Vào tháng 1 năm 2024, một đường ống thoát nước của công trường ở Australia bỗng nhiên bị tắc. Khi các công nhân đi tìm kiếm nguyên nhân thì nghe thấy tiếng kêu lạ. Khi tới gần, họ hoảng hốt phát hiện bên trong đường ống thoát nước có 2 con mắt nhỏ xíu đang nhìn mình chăm chăm.
Nhóm công nhân nghi ngờ một con vật nào đó bị mắc kẹt bên trong. Họ lập tức liên hệ với WIRES – một nhóm bảo vệ động vật hoang dã để nhờ giải cứu.
Sau nửa ngày nỗ lực, cuối cùng con vật đã được cứu thoát. Mọi người có mặt ở hiện trường đều tá hỏa bởi thứ họ tìm thấy trong đường ống cống hóa ra lại là "quái thú" đã biến mất 3.000 năm trừ ở Tasmania. Cụ thể, con thú là một con quỷ Tasmania chưa trưởng thành.
Theo đánh giá của các chuyên gia WIRES, con vật này đã đánh hơi được mùi của loài động vật khác nên lần theo và sau đó bị kẹt trong đường ống cống. Con quỷ Tasmania này tuy bị rác và mảnh vụn trong cống phủ đầy nhưng sức khỏe của nó khá tốt. Dù nó hơi có chút hốc hác do đói nhiều ngày và sốt nhưng con vật vẫn có thể di chuyển và kêu.
Các nhân viên của nhóm đã dùng khăn ẩm để giúp nó hạ nhiệt cơ thể. Sau khi kiểm tra, tính toán trọng lượng của con quỷ Tasmania, các chuyên gia đã chuyển nó tới nơi chăm sóc đặc biệt để phục hồi. Sau khoảng 3,5 tháng được chăm sóc tận tình, chú quỷ Tasmania con này hiện đã được thả trở lại tự nhiên.
Quỷ Tasmania (danh pháp khoa học: Sarcophilus harrisii) là một loài thú có túi ăn thịt của họ Dasyuridae, chủ yếu được tìm thấy trong tự nhiên tại đảo Tasmania ở Australia.
Quỷ Tasmania có thân hình nhỏ nhắn và tròn trịa, có bộ lông đen bóng, mắt nhỏ và miệng to, những mô tả này khiến chúng trở thành một nhóm động vật nhỏ không có gì nổi bật, nhưng trên thực tế chúng lại được mệnh danh là "ác quỷ" trong thế giới động vật.
Hiện chúng là loài thú có túi ăn thịt lớn nhất trên thế giới sau khi loài chó sói Tasmania (cũng là thú có túi ăn thịt) tuyệt chủng vào năm 1936. Loài thú có túi ăn thịt này từng lang thang khắp Australia, nhưng được cho là đã tuyệt chủng ở khắp mọi nơi, trừ Tasmania, vào khoảng 3.000 năm trước.
Chúng là loài thú có khứu giác nhạy cảm và cũng loài săn mồi rất hung dữ. Chúng có cái đầu khá giống loài chuột, nhưng hàm răng sắc nhọn lại là của chó sói. Chân trước thường dài hơn so với chân sau. Bộ lông thường có màu đen với một mảng trắng bất thường trên ngực.
Con đực quỷ Tasmania thường lớn hơn con cái với chiều dài cơ thể khoảng 65 cm, đuôi dài chừng 25 cm và trọng lượng rung bình khoảng 8 kg. Quỷ Tasmania có một cái đầu lớn, khớp cổ linh hoạt cho phép chúng tạo ra những vết cắt chí mạng khi săn mồi.
Thức ăn của chúng chủ yếu là thịt những loài động vật có vú nhỏ, bò sát, côn trùng... Đôi khi cũng có thể tấn công những loài vật lớn hay gia súc. Loài này thường hoạt động đơn độc và thường xuất hiện vào ban ngày ở những thời điểm không quá nóng. Quỷ Tasmania nổi tiếng với sự hung dữ của mình cũng như là tốc độ và độ bền đáng ngạc nhiên khi đi săn. Chúng cũng có khả năng trèo cây và bơi lội rất tốt.
Miệng của chúng có thể mở ra và đóng lại ở góc 180 độ, quỷ Tasmania cũng có thể dễ dàng giết chết con mồi nặng gấp 6 lần trọng lượng của chính mình.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng trong số các loài động vật có cùng kích thước thì quỷ Tasmania là loài có lực cắn mạnh nhất, nếu quỷ Tasmania có cùng kích thước với sư tử hoặc hổ thì lực cắn của nó sẽ gấp khoảng ba lần so với sư tử hoặc hổ.
Sức đề kháng của chúng cũng sẽ trở nên rất mạnh mẽ, cho dù chúng có săn mồi là rắn độc, thằn lằn hay ăn xác thối thì chúng cũng không bị mắc bệnh.
Hàng trăm năm trước, thực dân châu Âu tràn vào Úc với số lượng lớn, và quỷ Tasmania bị săn lùng gay gắt đến mức chúng bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng. Ước tính hiện còn chưa đến 25.000 con quỷ Tasmania tồn tại trong tự nhiên, giảm mạnh so với con số 150.000 con trước khi căn bệnh DFTD bùng phát với những ca tử vong đầu tiên ghi nhận vào giữa những năm 1990.
Hiện nay, các nhà khoa học Australia đang nỗ lực để bảo vệ quỷ Tasmania, nhưng không ai có thể đoán trước được khi nào chúng sẽ tuyệt chủng.
*Nguồn: WIRES, Phys.org; USGS