Đến ngày 6-8, sau trận mưa kéo dài ngày hôm trước, nhiều tuyến đường ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn còn bị ngập sâu, người dân phải sống trong cảnh nước ngập từ ngoài đường vào đến trong nhà.
Một số nơi nước rút, bà con tranh thủ dọn dẹp đồ đạc để ổn định cuộc sống. Tại các cửa hàng sửa xe máy vẫn đông nghẹt người dân đem xe đến sửa chữa do bị ngập nặng.
Nước mưa dâng cao, dòng chảy xiết cũng đã cuốn trôi nhiều tài sản của người dân ra biển, gây sạt lở đất khoảng hơn 20 m ở khu vực thị trấn Dương Đông và buộc nhiều hộ dân phải di dời đồ đạc, tài sản đến nơi an toàn.
Bà Trần Thị Lúi (87 tuổi, ngụ ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương) cho biết: “Nước ngập lên đến nửa nhà, đồ đạc ngập lút hết, có cái bàn thờ cao là thoát thôi.
May nhờ địa phương hỗ trợ đưa tôi và đứa cháu bị tai biến đi nơi khác ở tạm, hôm nay mới được dọn về nhà”.
Trước đó, vào chiều 5-8, những trận mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều tuyến đường ở huyện Phú Quốc biến thành sông, nước ngập cao đến nửa người.
Nhiều người dân phải đi tránh ngập, chưa kịp trở về dọn dẹp nhà cửa thì trời lại mưa lớn. Lực lượng công an, bộ đội, dân quân sau một đêm thức trắng lại tiếp tục đưa dân đi sơ tán.
Cơn mưa lớn gây ngập nhiều tuyến đường ở Phú Quốc. Ảnh: CHÂU ANH
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn. Ảnh: CHÂU ANH
Tại khu vực vòng xoay sân bay Phú Quốc cũ, nước ngập hết cả bánh xe máy. Trước tình hình này, lực lượng công binh của Lữ đoàn 950 đã có mặt phân luồng giao thông, hướng dẫn người dân không đi qua vùng ngập nước.
Lực lượng Công an huyện Phú Quốc cũng túc trực tại các điểm ngập để phân luồng, hướng dẫn người dân di chuyển khỏi vùng ngập.
Mưa lớn kết hợp với nước thượng nguồn đổ về cũng khiến một số tuyến đường khác như Cách Mạng Tháng Tám, Dương Đông - Bãi Thơm, đường cầu lớn Bến Tràm bị ngập sâu.
Các phương tiện qua lại khó khăn, nhiều phương tiện xe máy, ô tô chết máy ngay giữa đường phải gọi cứu hộ.
Nước dâng cao tràn cả vào nhà người dân gây hư hại nhiều tài sản, khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Con số thiệt hại cụ thể sau đợt mưa này đang được các ngành chức năng thống kê.
Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng diện rộng là do trong quá trình làm đường không tính toán cụ thể mực nước ngầm và triền dốc.
Bên cạnh đó, người dân san lấp xây dựng lấn chiếm kênh, rạch, suối khiến dòng chảy bị thu hẹp, nước không thoát kịp.
Trước mắt, để giải quyết tình trạng ngập úng, huyện tiến hành cho khơi thông cống rãnh để nước chảy ra biển. Tuy nhiên, theo ông Nghiệp, về lâu dài phải đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ, toàn diện trên cả đảo.
Đồng thời, huyện cũng có chủ trương đầu tư hồ chứa nước mới bởi hồ chứa nước Dương Đông đang trong tình trạng quá tải.
Ngày 6-8, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương phát đi thông báo cảnh báo vùng áp thấp trên khu vực bắc biển Đông, mưa dông, gió mạnh và sóng lớn trên các vùng biển phía nam dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 16-19 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp lúc 13 giờ có vị trí ở vào khoảng 15,5-16,5 độ vĩ Bắc; 116,5-117,5 độ kinh Đông.
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này hầu như ít di chuyển. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp phân tích trên với hoạt động của gió mùa tây nam có cường độ mạnh nên trong đêm 6-8 và ngày 7-8, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực biển Đông (bao gồm cả vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) có mưa rào và dông.
Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao 2-4 m. Biển động mạnh.