Cách đây 20 năm, Chương trình Đường lên đỉnh Olympia bắt đầu phát sóng chương trình đầu tiên vào 21 tháng 3 năm 1999.
1999 là dấu mốc quan trọng của Đường lên đỉnh Olympia tuy nhiên tất cả học sinh sinh năm 1999 đều không có cơ hội tham gia chương trình. Vì từ năm 2017, Đường lên đỉnh Olympia bắt đầu tuyển thí sinh lớp 11, bỏ qua thí sinh lớp 12 là những người sinh năm 1999.
Nhiều bạn chia sẻ rằng: "Năm đấy mình đã khóc, một phần vì không còn cơ hội xem những người bằng tuổi mình thi đấu, một phần ấm ức vì chương trình đã bỏ qua đi chính lứa học sinh ra đời cùng năm với mình..."
Hai thập niên đã qua, biết bao điều đã đổi thay, nhưng con đường chinh phục đỉnh núi tri thức vẫn luôn rộng mở để các thế hệ học sinh tài năng của Việt Nam viết tiếp ước mơ, hoài bão của mình. Và có rất nhiều điều thú vị xung quanh chương trình này mà 20 năm qua nhiều người vẫn không biết.
Chương trình Đường lên đỉnh Olympia bắt đầu phát sóng chương trình đầu tiên vào 21 tháng 3 năm 1999.
Olympia thực chất là một... đồng bằng ở Hy Lạp!
Chương trình phát sóng đầu tiên năm ấy gồm 4 phần thi.
- Khởi Động: Có sáu loại câu: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Như thế nào? Tại sao? Người chơi chọn lần lượt 2 câu hỏi; bấm chuông trả lời trong vòng 30 giây, trả lời trong 10 giây đầu được 30 điểm, trong 20 giây được 20 điểm, trong 30 giây được 10 điểm.
- Vượt chướng ngại vật: Giải ô chữ Người chơi lần lượt chọn từ hàng ngang, có 10 giây để suy nghĩ, trả lời đúng được 10 điểm. Tìm được từ hàng dọc được 40 điểm. Người chơi có thể bấm chuông trả lời từ hàng dọc bất kỳ lúc nào.
- Tăng tốc: Có 3 câu hỏi IQ hoặc đoạn băng, mỗi câu được 20 điểm, bấm chuông trả lời nhanh.
- Về đích: Các câu hỏi được đưa ra ở các thang điểm 40, 30, 20 và 10. Mỗi người chơi có quyền lựa chọn 2 câu hỏi, và có thể chọn ngôi sao hy vọng để tăng gấp đôi số điểm hoặc trừ đi số điểm đã chọn đó.
Đường lên đỉnh Olympia là chương trình có số tuổi kỷ lục của Đài Truyền hình Việt Nam, vẫn giữ được sức nóng bao lâu nay.
Theo chia sẻ của nhà báo Tạ Bích Loan, đỉnh núi Olympia trong tên chương trình chỉ nằm trong tưởng tượng, là giấc mơ chinh phục của các thí sinh.
Bởi trên thực tế, Olympia là tên của một đồng bằng tại Hy Lạp. Tuy nhiên, vì tên Đường lên đỉnh Olympia đã trở nên gần gũi với mọi người nên BTC vẫn quyết định giữ lại tên này.
4 phần thi trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia gồm Khởi động, Vượt chướng ngại vật, Tăng tốc, Về đích tương tự như quá trình khi leo một ngọn núi ở ngoài cuộc sống. Thí sinh sẽ phải trải qua những giai đoạn đó trước khi chinh phục được đỉnh ngọn núi.
Nhà báo Tạ Bích Loan
Nhà báo Tạ Bích Loan là người dẫn chương trình đầu tiên của Đường lên đỉnh Olympia (năm 1999-2000)
Mặc dù chỉ dẫn Đường lên đỉnh Olympia từ số đầu tiên năm 1999 đến trận chung kết tổ chức vào 26/3/2000 nhưng nhà báo Tạ Bích Loan luôn được mọi người nhớ đến bởi sự thông minh, đam mê và nhiệt huyết đối với công việc.
Nhà báo Tạ Bích Loan cũng chính là người đã đưa ra ý tưởng về biểu tượng Vòng nguyệt quế - phần thưởng cho những người thắng cuộc - trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia.
Chị Tạ Bích Loan dù chỉ dẫn một năm nhưng vẫn cực kỳ gây ấn tượng với phong cách dẫn nhẹ nhàng, gần gũi cùng lối nói chuyện thông minh, cởi mở, giúp các bạn thí sinh đỡ cảm thấy căng thẳng hơn trước các phần thi.
Ngoài ra Đường lên đỉnh núi chính là bài hát mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác dành riêng cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Trong suốt 20 năm qua, nó đã trở thành một giai điệu khắc sâu vào tâm trí của những thế hệ khán giả yêu thích và cổ vũ cho chương trình này.
20 năm, hàng trăm con người đi ra từ chương trình này, hàng triệu điều thay đổi, chỉ có duy nhất một điều vẫn vẹn nguyên...
Đó chính là giải thưởng của chương trình. Giải Nhất Tuần 4.000.000 VNĐ, Tháng 6.000.000 VNĐ, Quý 25.000.000 VNĐ và Năm 35.000 USD. Cơ cấu giải Nhì, Ba vẫn thế không thay đổi!
Và hầu hết quán quân của Đường lên đỉnh Olympia đều du học tại Đại học Kỹ thuật Swinburne. Và cũng rất đặc biệt, người duy nhất du học ở 1 ngôi trường khác là Lương Phương Thảo (quán quân năm thứ 3 - du học Đại học Monash, Úc) cũng là người duy nhất về Việt Nam sinh sống và làm việc.
Đại học kỹ thuật Swinburne đã tài trợ học bổng trị giá 100%, 50% và 25% cho các bạn thắng giải chung kết năm lần lượt theo thứ hạng Nhất, Nhì và Ba của Đường lên đỉnh Olympia.
Chị Trần Ngọc Minh và chồng
Năm 1999 - ghi dấu quán quân nữ đầu tiên
Chị Trần Ngọc Minh là nhà vô địch đầu tiên của chương trình Đường lên đỉnh Olympia vào năm 2000. Khi đó, chị Minh là một học sinh ưu tú của trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long.
Chị Ngọc Minh sau đó du học tại trường ĐH Swinburne, Australia với học bổng 35.000$ của nhà tài trợ.
Tại đây, chị Ngọc Minh cũng đã làm rạng danh Việt Nam khi hoàn thành xuất sắc Chương trình Kỹ sư chuyên ngành Viễn thông và Công nghệ Thông tin và là một trong số ít những người tiếp tục nhận được học bổng toàn phần cho Chương trình đào tạo bậc Tiến sĩ chuyên ngành Mạng Thông tin của ĐH Kỹ thuật Swinburne.
Trên trang fanpage của chương trình, rất nhiều thí sinh đã gửi lời chúc mừng sinh nhật Đường lên đỉnh Olympia, đây là bài thơ của Trần Nhân Kiệt, thí sinh Olympia 2018.
Có nhiều người định nghĩa về thanh xuân,
Về tình bạn, tình yêu và hơn thế
Đối với tôi tình yêu là tuổi trẻ
Và tình bạn là kiến thức màu hoa.
Đã hai mươi thanh xuân ta nhìn lại
Người bạn tinh thần bổ ích mỗi hôm
Để lắm khi ta bứt rứt, bồn chồn
Vì hôm đó "tình" O không phát sóng.
Tôi cảm ơn đỉnh Ô-lym-pi-a
Mang thanh xuân đến mọi miền xứ sở
Cho chúng tôi được bao lần gặp gỡ
Nói lời chào, lời nuối tiếc chia tay.
Đã có lúc tôi vui trên chiến thắng
Lúc buồn rầu khi nguyệt quế vụt tay
Lúc lo âu đợi cuộc gọi từng ngày
Và sung sướng khi nhận từ "thần thánh"
Hai mươi năm và hành trình bất tận.
Tuy rất dài nhưng chẳng kết thúc đâu
Tiếng gọi O vẫn tha thiết trong đầu
Và hạnh phúc sẽ còn vươn xa mãi.
Đã hai mươi thì sẽ có ba mươi
Rồi bốn mươi, năm mươi và mãi mãi
Như kiến thức suốt đời ta truyền tải
Để sân chơi này mãi mãi phồn vinh.