Mới đây, diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm rất thẳng thắn chia sẻ anh từng đá gãy cái quạt khi mẹ đẻ và vợ mâu thuẫn đến mức tuyệt giao. Quỳnh Quỳnh còn "căng" đòi "ở riêng nhà, không có làm dâu".
Cụ thể, "Diệu Lâm" cho biết: "Một thời gian mẹ Phượng (mẹ ruột Lê Dương Bảo Lâm) và Quỳnh Quỳnh không nói chuyện với nhau gì cả. 2 bên mới nói chuyện gần 1 năm nay, còn từ lúc cưới về là có vấn đề nên 2 người không ở với nhau.
Gia đình hạnh phúc của Lê Dương Bảo Lâm
Do mỗi người có 1 lý lẽ riêng. Em về nói mẹ thì mẹ lại nói như vậy, còn nói với vợ thì vợ lại chia sẻ suy nghĩ của vợ. Em đứng giữa 2 dòng nước và thấy ai cũng đúng cả, một bên tình một bên hiếu khiến em đau khổ mấy lần".
Anh chàng rất đau đầu đến mức bỏ nhà đi nhưng cuối cùng quyết định về ở với vợ. Không có nhiều luồng ý kiến hay tranh cãi, đa phần đều ủng hộ cách giải quyết của Dương Lâm.
"Chọn vợ là quyết định sáng suốt nhất. Mẹ sẽ vì thương con mà hạ cái tôi xuống, dung hòa với con với dâu với cháu. Vợ vì thương chồng, thương cha của con mình mà buông bỏ chấp niệm, bao dung những nhỏ nhặt của cuộc sống! Rồi theo thời gian cũng sẽ qua thôi", chị T.T.H bình luận.
Một ý kiến khác cũng tương tự được nhiều người "thả tim": "Bạn chọn vợ thì bạn có cả 1 gia đình. Vì vợ sẽ thương chồng mà mở lòng cùng mẹ chồng. Còn nếu bạn chọn mẹ, thì bạn đã mất 1 gia đình, vì mẹ thương con mẹ sẽ tìm cho con một nàng dâu mới mà mẹ vừa bụng. Ở đời, chỉ vì một chữ THƯƠNG mà người làm vợ sẽ buông bỏ hết".
Lê Dương Bảo Lâm rất thẳng thắn chia sẻ anh từng đá gãy cái quạt khi mẹ đẻ và vợ mâu thuẫn đến mức tuyệt giao
Có thể thấy đàn ông đóng vai trò rất quan trọng trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. Thế nên các ông chồng phải ghi nhớ 6 điều sau:
1. Muốn cưới vợ hãy chủ động tự "cai sữa"
Mỗi người phụ nữ kết hôn đều mong người đàn ông mà mình giao phó cả cuộc đời sẽ trưởng thành và đủ trách nhiệm với 1 gia đình nhỏ. Nhưng nhiều người đàn ông quên mất điều ấy và luôn nghĩ rằng mình vẫn là con ngoan của bố mẹ.
Một người đàn ông vẫn sống với bố mẹ sau khi kết hôn thực ra không có nhiều thay đổi so với trước khi kết hôn. Bởi anh ta biết khi ở với bố mẹ, mẹ sẽ không để anh ta vất vả làm việc nhà, còn vợ anh cũng không dám "ý kiến" với chồng trước mặt mẹ.
Từng có 1 chàng trai tâm sự mâu thuẫn giữa mẹ và bạn gái trên diễn đàn mạng, cuối cùng anh ta kết luận: "Mẹ là người tốt nhất với tôi trên thế giới này". Đa phần để lại bình luận: "Đừng lấy vợ nữa, về nhà và sống nốt quãng đời còn lại với mẹ anh đi!".
2. Đừng sợ bị người khác gán cho là "bất hiếu" và chỉ vâng lời cha mẹ mà thôi
Dưới ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, cổ hủ, "hiếu thảo" đã trở thành một đức tính tối cao và là xiềng xích mạnh mẽ nhất của xã hội phụ hệ. Anh ta sẽ từ bỏ những nguyên tắc làm người của mình, không biết đúng sai, không phân biệt phải trái. Đặc biệt khi xảy ra mâu thuẫn giữa vợ và mẹ, anh ta cho rằng đó là trách nhiệm của vợ, của phận làm con. Trong trường hợp này, người đàn ông không duy trì sự hòa thuận của gia đình từ một địa vị chính đáng mà chỉ hồ đồ yêu cầu vợ mình phải chịu đựng và thỏa hiệp để duy trì sự bình yên giả tạo.
3. Hãy chủ động giúp vợ hòa nhập với gia đình, thay vì giúp gia đình loại trừ cô ấy
Mặc dù một số người đàn ông chủ quan không có suy nghĩ "gạt bỏ vợ" nhưng thực chất họ đang làm những việc như vậy, khiến vợ cảm thấy mình như người ngoài cuộc trong gia đình chồng và bị mọi người chối bỏ.
Sau khi người phụ nữ kết hôn và bước vào một môi trường hoàn toàn xa lạ, cô ấy chắc chắn sẽ cảm thấy hụt hẫng và tự nhiên hình thành cảm giác phòng thủ. Trong gia đình này, chỉ có chồng là người thân thiết nhất với cô ấy. Có thể, một số hành vi của các thành viên trong nhà chồng không ác ý nhưng đôi khi có thể khiến cô ấy tổn thương. Hãy làm những gì cần làm: Là cầu nối giao tiếp tốt, đừng mù quáng buộc tội cô ấy "nhạy cảm, bất cẩn, nhỏ mọn…". Điều này sẽ chỉ khiến khoảng cách giữa vợ bạn và mẹ mình ngày càng xa hơn, và cuối cùng loại cô ấy khỏi gia đình này.
Cũng có một số đàn ông, khi bố mẹ chê trách vợ trước mặt mình, để xoa dịu sự tức giận của bố mẹ, anh ta sẽ vào hùa để để không mang tiếng là bênh vợ. Hành vi này chính là ám chỉ tâm lý cho bố mẹ bạn rằng nếu bạn không hài lòng với vợ thì bố mẹ cũng sẽ ngày càng bất mãn với con dâu. Mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu vì thế mà xảy ra ngày càng thường xuyên hơn. Khi bạn nói xấu vợ trước mặt bố mẹ, bạn và bố mẹ "1 phe" nhưng bố mẹ bạn lại càng chối bỏ vợ bạn và coi cô ấy như người ngoài.
4. Nếu mẹ và vợ phàn nàn về nhau trước mặt bạn, xin đừng trở thành "trung tâm rắc rối"
Khi 2 người phụ nữ xảy ra mâu thuẫn, người đàn ông biết giấu chuyện từ hai bên là người đàn ồng thông minh, không những khéo léo loại bỏ sự bất mãn giữa hai người phụ nữ mà còn thay mặt họ lấy lòng nhau, thúc đẩy sự hòa hợp giữa mẹ chồng và con dâu.
Ảnh minh họa
Ngược lại, đàn ông truyền tin từ hai đầu thể hiện "EQ âm điểm". Nhiều mẹ chồng, con dâu vốn dĩ không có mâu thuẫn gì lớn, chỉ là một số xích mích nhỏ, nhưng sau khi người đàn ông ở giữa truyền đạt, những xích mích nhỏ trở nên lớn hơn.
5. Hãy cho vợ cơ hội làm người tốt và để "vai xấu" cho chính mình
Có một số ông chồng luôn thích lén lút đưa tiền cho bố mẹ, anh chị em sau lưng vợ. Bất kể số tiền họ đưa có nằm trong phạm vi nghĩa vụ của họ hay không cũng là hành vi giấu giếm. Vô tình bạn sẽ khiến bố mẹ nghĩ rằng con trai họ là người gánh vác gia đình và không liên quan gì đến vợ. Hoặc có thể đơn giản họ nghĩ rằng con dâu là người keo kiệt và không muốn biếu bố mẹ nên con trai phải lén lút như thế. Hành vi của bạn vô tình khiến vợ bạn trở thành "kẻ ác" còn bạn trở thành người tốt.
Bên cạnh đó, bạn đang thiếu tôn trọng vợ, tôn trọng chính bản thân mình, còn làm bố mẹ chồng hiểu lầm con dâu. Chỉ cần nằm trong phạm vi nghĩa vụ, hãy hào phóng đưa trước mặt vợ để bố mẹ hiểu rằng con dâu biết và đồng tình với việc này; hoặc nhờ vợ biếu bố mẹ.
Điều đó có ý nghĩa bạn đang tuyên bố địa vị của cô ấy trong gia đình bạn, để các cụ xem lại nếu đang có thành kiến với nàng dâu. Nếu vượt quá phạm vi nghĩa vụ của mình thì hãy bàn bạc với vợ. Nếu vợ đồng ý là thể hiện tình cảm, còn nếu vợ không đồng ý bạn cũng nên xem lại khoản tiền đó hợp lý chưa.
6. Đừng cãi nhau với vợ trước mặt bố mẹ hoặc người thân trong gia đình mình
Trên đời không có cặp đôi nào mà không cãi nhau. Cãi vã cũng là 1 cách giao tiếp, tuy nhiên cần tuyệt đối tránh cãi vã trước mặt bố mẹ.
Nhiều bậc cha mẹ mong được nhìn thấy con trai, con dâu sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng trong trường hợp họ đang không ưa con dâu mà được chứng kiến cảnh ấy, họ cho rằng con dâu là gánh nặng đối với con trai, thậm chí còn nhiều suy nghĩ tệ hại hơn thế.
Cũng có các bậc phụ huynh muốn "nhúng tay" vì bất bình. Bằng cách này, mâu thuẫn nội bộ của bạn và vợ đã chuyển thành mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu phức tạp hơn rất nhiều. Hậu quả nghiêm trọng nhất là bố mẹ bạn sẽ tìm lý do để gieo rắc mối bất hòa giữa bạn và vợ.